Bệnh về hệ thần kinh
Bệnh về hệ thần kinh

Bệnh alzheimer: Chứng sa sút trí tuệ thường gặp

Bệnh alzheimer thường khó phát hiện sớm do các triệu chứng tiến triển âm thầm, từ từ theo thời gian và hay bị nhầm lẫn với dấu hiệu của tuổi già. Hiểu rõ về bệnh sẽ giúp bạn nhận biết sớm alzheimer để điều trị kịp thời nhằm làm chậm tiến triển của bệnh.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2022-11-28
Cập nhật ngày 2023-04-26
Nội dung chính
Bệnh alzheimer là gì?Triệu chứng bệnh alzheimerCác giai đoạn của bệnh alzheimerNguyên nhân gây ra bệnh alzheimerYếu tố nguy cơ mắc bệnh alzheimerBệnh alzheimer có nguy hiểm không?Phương pháp chẩn đoán alzheimerPhương pháp điều trịCách phòng ngừa alzheimerCâu hỏi thường gặp về bệnh alzheimer
Bệnh alzheimer: Chứng sa sút trí tuệ thường gặp

Alzheimer là một dạng sa sút trí tuệ thường gặp, gây ảnh hưởng đến chức năng của não bộ và khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Dù không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp bệnh nhân cải thiện hoặc làm chậm tiến triển của bệnh. Để tìm hiểu thêm thông tin về bệnh alzheimer, mời bạn cùng Bowtie đọc tiếp bài viết sau đây.

Bệnh alzheimer là gì?

Bệnh alzheimer là một rối loạn thần kinh tiến triển liên quan đến tình trạng não bộ bị teo nhỏ và tế bào não chết dần. Căn bệnh này là dạng thường gặp nhất của chứng sa sút trí tuệ, gây suy giảm liên tục tư duy, hành vi và các kỹ năng xã hội, từ đó ảnh hưởng đến khả năng hoạt động độc lập của bệnh nhân.

Các tế bào thần kinh của người mắc bệnh alzheimer bị phá vỡ nên ảnh hưởng đến quá trình chúng hoạt động và giao tiếp với nhau. Đồng thời, sự sụt giảm các chất dẫn truyền thần kinh cũng làm gián đoạn việc truyền tín hiệu trong não. Khi bệnh tiến triển, người bệnh sẽ bị suy giảm trí nhớ nghiêm trọng và mất khả năng thực hiện các hoạt động thường ngày.

Bệnh alzheimer có thể được chia thành 2 kiểu là:

  • Bệnh alzheimer tự phát đơn lẻ: Đây là dạng alzheimer phổ biến nhất và thường xảy ra sau 65 tuổi. Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được biết rõ.
  • Bệnh alzheimer có tính gia đình (hoặc có tính di truyền): Bệnh có liên quan đến một tình trạng di truyền rất hiếm gặp dẫn đến sa sút trí tuệ, thường gặp ở độ tuổi 40 – 50.

Triệu chứng bệnh alzheimer

Các triệu chứng bệnh alzheimer sẽ tiến triển dần theo thời gian, qua nhiều năm và cuối cùng trở nên rất trầm trọng. Dấu hiệu đầu tiên của bệnh thường là các vấn đề về trí nhớ, chẳng hạn như hay quên các sự kiện xảy ra gần đây hoặc quên tên các địa điểm, đồ vật.

Cùng với đó, các triệu chứng alzheimer khác cũng xuất hiện và phát triển dần, bao gồm:

  • Bối rối, mất phương hướng và bị lạc ở những nơi quen thuộc
  • Khó lập kế hoạch và đưa ra quyết định
  • Gặp khó khăn trong giao tiếp
  • Gặp khó khăn trong việc đi lại khi không có sự trợ giúp hoặc khó tự chăm sóc bản thân
  • Thay đổi tính tình như trở nên hung hăng hơn, hay đòi hỏi hoặc nghi ngờ mọi người
  • Bị ảo giác và ảo tưởng
  • Tâm trạng chùng xuống hoặc cảm thấy lo âu

Mức độ tiến triển của các triệu chứng bệnh ở mỗi người sẽ khác nhau, tùy thuộc vào khu vực nào của não bộ bị ảnh hưởng. Triệu chứng có thể thay đổi từng ngày và trở nên nặng hơn khi gặp căng thẳng, bị bệnh hoặc mệt mỏi.

Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về trí nhớ hoặc các vấn đề liên quan đến chức năng não bộ, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán sớm.

Triệu chứng bệnh alzheimer
Triệu chứng bệnh alzheimer thường bắt đầu bằng các vấn đề về trí nhớ rồi tiến triển nặng dần theo thời gian.

Các giai đoạn của bệnh alzheimer

Dựa trên mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, bệnh alzheimer sẽ được phân thành 7 giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn 1: Bệnh nhân không có biểu hiện suy yếu chức năng bình thường.
  • Giai đoạn 2: Bệnh nhân bị suy giảm nhận thức rất nhẹ.
  • Giai đoạn 3: Bệnh nhân bị suy giảm nhận thức nhẹ.
  • Giai đoạn 4: Bệnh nhân bị suy giảm nhận mức độ vừa.
  • Giai đoạn 5: Bệnh nhân bị suy giảm nhận thức tương đối nghiêm trọng.
  • Giai đoạn 6: Bệnh nhân bị suy giảm nhận thức nghiêm trọng.
  • Giai đoạn 7: Bệnh nhân bị suy giảm nhận thức rất nghiêm trọng.

Nguyên nhân gây ra bệnh alzheimer

Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh alzheimer vẫn chưa được hiểu đầy đủ. Tuy nhiên, về cơ bản thì bệnh xảy ra do các protein trong não không thực hiện được chức năng như bình thường, làm gián đoạn hoạt động của tế bào thần kinh (neuron) và gây ra một loạt các vấn đề. Kết quả là nhiều tế bào thần kinh bị thương tổn, mất kết nối với nhau và cuối cùng chết đi.

Hai loại protein sau hiện được cho là có liên quan đến khả năng phát triển bệnh alzheimer:

  • Beta-amyloid: Mảng xơ beta-amyloid gây độc tế bào thần kinh và làm gián đoạn quá trình giao tiếp giữa các tế bào.
  • Protein tau: Các protein tau có thể thay đổi hình dạng và tự tổ chức thành một cấu trúc khác, gọi là đám rối thần kinh. Các đám rối này phá vỡ hệ thống vận chuyển và gây độc tế bào.

Những thương tổn thường bắt đầu từ vùng não kiểm soát trí nhớ nhưng quá trình này sẽ diễn tiến trong nhiều năm trước khi biểu hiện triệu chứng đầu tiên. Việc mất tế bào thần kinh có thể tiếp tục xảy ra ở các vùng khác của não. Đến giai đoạn cuối, não bộ của người bệnh đã bị teo lại đáng kể.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, hầu hết trường hợp bị alzheimer là do sự kết hợp của nhiều tác nhân, bao gồm yếu tố di truyền, lối sống và môi trường gây ảnh hưởng đến não bộ theo thời gian.

Yếu tố nguy cơ mắc bệnh alzheimer

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh alzheimer gồm:

  • Tuổi tác. Khi càng lớn tuổi, khả năng mắc alzheimer sẽ tăng lên. Một nghiên cứu cho thấy, hàng năm có 4 ca chẩn đoán bệnh mới trên 1000 người từ 65 – 74 tuổi, 32 ca bệnh mới trên 1000 người từ 75 – 84 tuổi và 76 ca bệnh mới trên 1000 người từ 85 tuổi trở lên.
  • Tiền sử bệnh gia đình và di truyền. Cơ chế di truyền bệnh alzheimer trong gia đình vẫn chưa được giải thích rõ ràng và các yếu tố di truyền thường khá phức tạp. Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh của một người sẽ cao hơn nếu có bố, mẹ hoặc anh, chị, em ruột mắc phải căn bệnh này.
  • Hội chứng Down. Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh alzheimer có xu hướng xuất hiện sớm hơn từ 10 – 20 năm ở những người mắc hội chứng Down so với người bình thường.
  • Giới tính. Dường như không có nhiều khác biệt về nguy cơ mắc alzheimer giữa nam và nữ nhưng số lượng phụ nữ mắc bệnh thường nhiều hơn vì tuổi thọ của họ có xu hướng cao hơn nam giới.
  • Suy giảm nhận thức mức độ nhẹ. Những người bị suy giảm nhận thức mức độ nhẹ có nhiều khả năng tiến triển thành chứng mất trí nhớ do bệnh alzheimer.
  • Chấn thương đầu. Người từng bị chấn thương đầu nghiêm trọng (như chấn thương sọ não) sẽ có nguy cơ mắc bệnh alzheimer cao hơn.
  • Ô nhiễm không khí. Nhiều nghiên cứu trên động vật cho thấy, các hạt phân tử ô nhiễm không khí có thể đẩy nhanh quá trình thoái hóa của hệ thần kinh. Ngoài ra, nghiên cứu trên con người cũng phát hiện ra rằng, việc tiếp xúc với tình trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt từ khí thải giao thông, khí đốt nguyên liệu có liên quan đến khả năng mắc chứng mất trí nhớ cao hơn.
  • Nghiện rượu. Uống quá nhiều rượu có thể gây ra những thay đổi trong não bộ. Việc rối loạn sử dụng rượu sẽ làm tăng nguy cơ mất trí nhớ, đặc biệt là chứng mất trí nhớ khởi phát sớm.
  • Có vấn đề về giấc ngủ. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các vấn đề liên quan đến giấc ngủ như khó ngủ hoặc ngủ không sâu giấc có liên hệ mật thiết đến khả năng mắc bệnh alzheimer.
  • Lối sống và sức khỏe tim mạch. Các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh alzheimer, bao gồm: ít tập thể dục, béo phì, hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc, tăng huyết áp, tăng cholesterol, đái tháo đường type 2 kiểm soát kém.

Bệnh alzheimer có nguy hiểm không?

Việc mất trí nhớ và ngôn ngữ, suy giảm khả năng phán đoán và những thay đổi khác về nhận thức do bệnh alzheimer có thể khiến việc điều trị các bệnh lý khác khó khăn hơn. Người bệnh có thể không còn khả năng:

  • Thông báo rằng họ đang chịu đựng cơn đau
  • Giải thích các triệu chứng đang có
  • Tuân thủ đúng theo kế hoạch điều trị
  • Giải thích các tác dụng phụ của thuốc mà mình gặp phải

Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn cuối, những thay đổi trong não bộ bắt đầu ảnh hưởng đến các chức năng thể chất, chẳng hạn như nuốt, giữ thăng bằng và khả năng kiểm soát ruột, bàng quang. Khi đó, người bệnh dễ bị tổn thương khi có vấn đề sức khỏe khác như:

  • Hít phải thức ăn hoặc đồ uống vào phổi
  • Cúm, viêm phổi và các bệnh nhiễm trùng khác
  • Té, ngã hoặc gãy xương
  • Lở loét
  • Suy dinh dưỡng hoặc mất nước
  • Táo bón hoặc tiêu chảy
  • Các vấn đề răng miệng như lở miệng hoặc sâu răng

Phương pháp chẩn đoán alzheimer

Phương pháp chẩn đoán alzheimer
Bác sĩ cần thực hiện nhiều phương pháp khác nhau để đánh giá toàn diện và đưa ra chẩn đoán bệnh alzheimer.

Các triệu chứng alzheimer tiến triển chậm theo thời gian có thể khiến chúng ta khó nhận biết bản thân hoặc người thân đang gặp phải bệnh lý này. Để có thể đưa ra chẩn đoán alzheimer, bác sĩ sẽ cần đánh giá cẩn thận và dùng nhiều thử nghiệm, xét nghiệm khác nhau, bao gồm:

  • Kiểm tra tiền sử bệnh
  • Kiểm tra thể chất và thần kinh toàn diện
  • Kiểm tra chức năng trí tuệ
  • Giám định tâm thần
  • Xét nghiệm máu và nước tiểu
  • Chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) để đánh giá tình trạng teo kích thước não và phát hiện các bất thường khác

Sau khi loại bỏ các nguyên nhân khác cũng có thể gây ra những triệu chứng tương tự thì bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán lâm sàng cho bệnh alzheimer. Nếu được phát hiện sớm, bệnh nhân có thể trao đổi với bác sĩ về những phương pháp điều trị và hỗ trợ nhằm làm chậm quá trình thoái hóa thần kinh.

Phương pháp điều trị

Hiện tại vẫn chưa có cách chữa trị cho bệnh alzheimer nhưng một số loại thuốc có thể giúp làm giảm nhẹ triệu chứng cùng với nhiều hình thức hỗ trợ khác để người bệnh chung sống dễ dàng với bệnh.

Nhóm thuốc ức chế cholinesterase có thể tạm thời cải thiện các triệu chứng nhận thức của bệnh alzheimer ở mức độ nhẹ đến trung bình. Chúng hoạt động bằng cách tăng nồng độ của một chất dẫn truyền thần kinh có tên là acetylcholine, giúp khôi phục lại sự giao tiếp của các tế bào thần kinh. Memantine cũng là một loại thuốc khác có thể được sử dụng để làm chậm tiến triển của các triệu chứng alzheimer. 

Ngoài ra, bác sĩ có thể kê thêm một số loại thuốc để giảm nhẹ các triệu chứng khác như mất ngủ, kích động, lo lắng và trầm cảm. Việc này không điều trị trực tiếp bệnh lý nhưng sẽ giúp người bệnh cải thiện chất lượng cuộc sống.

Đồng thời, người bệnh nên cố gắng duy trì liên lạc xã hội bình thường với gia đình, bạn bè, tập luyện thể dục thường xuyên và tham gia vào các hoạt động kích thích não bộ. Nếu lo ngại về các vấn đề an toàn, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn.

Cách phòng ngừa alzheimer

Bệnh alzheimer không phải là một bệnh lý về hệ thần kinh có thể phòng ngừa được. Tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống làm tăng khả năng mắc bệnh có thể được thay đổi ngay từ hôm nay. Lựa chọn lối sống lành mạnh được biết là sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh alzheimer, bao gồm:

  • Tập thể dục thường xuyên
  • Xây dựng chế độ ăn với nhiều thực phẩm tươi, chất béo tốt cho sức khỏe, chẳng hạn như chế độ ăn Địa Trung Hải
  • Tuân theo các hướng dẫn điều trị để kiểm soát huyết áp cao, đái tháo đường và cholesterol cao
  • Bỏ hút thuốc lá

Các nghiên cứu đã nhận thấy, kỹ năng tư duy được bảo tồn sau khi mắc bệnh và nguy cơ mắc bệnh có thể giảm xuống nếu bạn tham gia các sự kiện xã hội, đọc sách, khiêu vũ, chơi board game, sáng tạo nghệ thuật, chơi nhạc cụ thường xuyên.

Câu hỏi thường gặp về bệnh alzheimer

Bệnh alzheimer có di truyền không?

Tiền sử gia đình không chắc chắn sẽ khiến cho một người phát triển bệnh alzheimer. Tuy nhiên, nếu có bố, mẹ hoặc anh, chị, em ruột bị bệnh thì nguy cơ mắc bệnh của bạn cũng sẽ cao hơn bình thường. Sự kết hợp giữa các yếu tố di truyền, lối sống, môi trường được cho là có thể góp phần trong việc phát triển bệnh alzheimer.

Khi nghiên cứu về gen, các nhà khoa học phát hiện một số kiểu gen có thể liên quan đến bệnh lý này. Trong đó, gen đầu tiên được phát hiện làm tăng nguy cơ mắc bệnh và có tác động lớn nhất là gen APOE-e4 (apolipoprotein E – epsilon 4). Ước tính có khoảng 40 – 65% người bệnh mang loại gen này. Người mang gen này có khả năng xuất hiện triệu chứng alzheimer khi trẻ tuổi hơn nhưng không phải tất cả người có gen này đều bị bệnh.

Ngoài ra, còn có 3 đột gen hiếm gặp được cho là gây ra bệnh alzheimer (≤1% trường hợp), thường là dạng khởi phát sớm ở độ tuổi 40 – 60:

  • Gen protein tiền thân amyloid (APP) trên nhiễm sắc thể 21
  • Gen presenilin-1 (PS-1) trên nhiễm sắc thể số 14
  • Gen presenilin-2 (PS-2) trên nhiễm sắc thể số 1

Những người được xác định mang một trong ba kiểu gen này ở độ tuổi sớm nên tìm cách hạn chế nguy cơ bị alzheimer, đặc biệt là nếu gia đình có tiền sử bệnh.

Bệnh alzheimer sống được bao lâu?

Tốc độ tiến triển của bệnh alzheimer rất khác nhau. Trung bình, người bệnh sau khi được chẩn đoán có thể sống thêm 3 – 11 năm nhưng có những trường hợp sống đến 20 năm hoặc lâu hơn. Mức độ suy giảm thần kinh lúc chẩn đoán có thể ảnh hưởng đến tiên lượng sống của người bệnh. Thêm vào đó, các yếu tố nguy cơ liên quan đến mạch máu không được điều trị như tăng huyết áp cũng ảnh hưởng đến tốc độ tiến triển của bệnh alzheimer.

Nhìn chung, người bệnh alzheimer có thể hạn chế tốc độ suy thoái của các tế bào thần kinh để có thể chung sống dễ dàng với bệnh. Bên cạnh đó, người bệnh rất cần đến sự chăm sóc, hỗ trợ của những người thân yêu. Hãy cố gắng thấu hiểu, đồng cảm để cùng họ san sẻ những khó khăn của căn bệnh này nhé!

Đọc thêm
Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Cơn thiếu máu não thoáng qua: Dấu hiệu đột quỵ nhẹ cần lưu ý Cơn thiếu máu não thoáng qua: Dấu hiệu đột quỵ nhẹ cần lưu ý
Bệnh về hệ thần kinh

Cơn thiếu máu não thoáng qua: Dấu hiệu đột quỵ nhẹ cần lưu ý

Các dấu hiệu bệnh đa xơ cứng bạn cần cảnh giác Các dấu hiệu bệnh đa xơ cứng bạn cần cảnh giác
Bệnh về hệ thần kinh

Các dấu hiệu bệnh đa xơ cứng bạn cần cảnh giác

Nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ để xử trí kịp thời Nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ để xử trí kịp thời
Bệnh về hệ thần kinh

Nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ để xử trí kịp thời

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK