Bệnh tim mạch
Bệnh tim mạch

Những điều cần biết về bệnh cơ tim phì đại

Bệnh cơ tim phì đại cho thể dẫn đến nhiều biến chứng nặng như suy tim hoặc thậm chí là đột tử. Vì vậy, ai cũng nên trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về bệnh cơ tim phì đại để nhận biết sớm và điều trị kịp thời nhằm sống khỏe cùng bệnh, hạn chế các biến chứng.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2022-11-29
Cập nhật ngày 2023-05-16
Nội dung chính
Bệnh cơ tim phì đại là gì?Triệu chứng phì đại cơ timNguyên nhân gây bệnh cơ tim phì đạiPhương pháp chẩn đoán bệnh cơ tim phì đạiPhương pháp điều trị bệnh phì đại cơ timCách phòng ngừa bệnh phì đại cơ timCâu hỏi thường gặp về bệnh cơ tim phì đại
Những điều cần biết về bệnh cơ tim phì đại

Vậy cơ tim phì đại là bệnh gì? Làm thế nào để nhận biết bệnh? Mời bạn cùng Bowtie tìm hiểu thêm về bệnh cơ tim phì đại trong bài viết dưới đây.

Bệnh cơ tim phì đại là gì?

Cơ tim phì đại là một bệnh lý tim mạch di truyền đặc trưng bởi tình trạng cơ tim trở nên dày lên (phì đại). Việc cơ tim dày lên sẽ khiến tim khó bơm máu hơn bình thường. Những người mắc bệnh cơ tim phì đại đôi khi không được chẩn đoán bởi triệu chứng không rõ ràng hoặc ít có.

Bệnh cơ tim phì đại thường ảnh hưởng trực tiếp đến vách ngăn giữa hai ngăn dưới cùng của tim (hai tâm thất). Vách ngăn dày lên có thể làm chặn dòng máu chảy ra khỏi tim. Trường hợp này được gọi là bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn. 

Trường hợp lưu lượng máu không có sự tắc nghẽn đáng kể nào thì sẽ được gọi là bệnh cơ tim phì đại không tắc nghẽn. Tuy nhiên, tâm thất trái của tim, hay còn được coi là buồng bơm chính, có thể cứng lại. Điều này khiến tim trở nên khó thư giãn hơn, làm giảm lượng máu mà tâm thất có thể giữ lại và gửi đến cơ thể ở mỗi nhịp tim. 

Tình trạng cơ tim dày lên sẽ khiến người bệnh cảm thấy khó thở, đau ngực hoặc làm thay đổi hệ thống điện của tim dẫn đến nhịp tim không đều (loạn nhịp tim), thậm chí đột tử.

Đọc thêm

Triệu chứng phì đại cơ tim

Người mắc bệnh phì đại cơ tim có thể biểu hiện nhiều triệu chứng đa dạng hoặc đôi khi không có triệu chứng nào. Những triệu chứng phổ biến mà người bệnh cơ tim phì đại thường gặp phải là: 

  • Tức ngực: Tình trạng này thường xảy ra khi người bệnh hoạt động gắng sức nhưng cũng có thể xuất hiện ngay cả khi nghỉ ngơi hoặc sau bữa ăn.
  • Khó thở, mệt mỏi, thở gấp mỗi khi gắng sức: Triệu chứng này thường biểu hiện rõ hơn ở người trưởng thành mắc bệnh cơ tim phì đại. Nguyên nhân chính là do tăng áp lực trong tâm nhĩ trái và phổi. 
  • Ngất xỉu hoặc bất tỉnh khi làm việc gắng sức: Khi bệnh nhân hoạt động gắng sức, tình trạng nhịp tim bất thường hoặc những phản ứng bất thường của mạch máu có thể gây ngất xỉu, bất tỉnh. 
  • Nhịp tim bất thường: Theo nghiên cứu, khoảng 25% người bệnh cơ tim phì đại có hiện tượng bị rung tâm nhĩ, làm tăng khả năng hình thành cục máu đông và suy tim.
  • Xuất hiện tiếng thổi tim
  • Cảm giác tim đập quá nhanh hoặc đập thình thịch trong lồng ngực 
  • Có biểu hiện sưng ở phần dưới của cơ thể hoặc ở tĩnh mạch cổ
Triệu chứng cơ tim phì đại
Bệnh nhân có thể bị choáng váng, ngất xỉu do bệnh phì đại cơ tim.

Nguyên nhân gây bệnh cơ tim phì đại

Nguyên nhân chính gây bệnh cơ tim phì đại là thay đổi gen (đột biến gen) làm cho cơ tim bị dày lên. Bệnh thường được di truyền qua các thế hệ trong gia đình. Những người có bố hoặc mẹ bị bệnh phì đại cơ tim có 50% khả năng mang đột biến gen gây bệnh. Ngoài ra, tình trạng huyết áp cao hoặc lão hóa cũng có thể gây phì đại cơ tim. Trong một số trường hợp, nguyên nhân gây bệnh không được xác định rõ.

Phương pháp chẩn đoán bệnh cơ tim phì đại

Để có thể chẩn đoán được bệnh phì đại cơ tim, bác sĩ thường bắt đầu từ việc thăm hỏi tiền sử bệnh của người bệnh cũng như yếu tố di truyền trong gia đình. Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh thực hiện thêm các kiểm tra, xét nghiệm như: 

  • Khám sức khỏe: Bác sĩ tiến hành thăm khám lâm sàng bằng cách nghe tim phổi. Những người mắc bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn (HOCM) thường có tiếng thổi ở tim.
  • Siêu âm tim: Siêu âm tim là phương pháp thường được sử dụng trong chẩn đoán bệnh cơ tim phì đại vì có thể giúp bác sĩ quan sát thấy sự dày lên của cơ tim.
  • Điện tâm đồ: Phương pháp này giúp bác sĩ theo dõi nhịp tim để phát hiện tình trạng rối loạn nhịp tim và các dấu hiệu cho thấy cơ tim dày lên.
  • Chụp cộng hưởng từ tim (MRI tim): MRI tim thường được thực hiện cùng với siêu âm để cung cấp cho bác sĩ hình ảnh rõ nét hơn của tim.
  • Kiểm tra gắng sức: Các bài kiểm tra gắng sức sẽ giúp bác sĩ theo dõi được phản ứng của tim đối với các hoạt động thể chất.
  • Các kiểm tra, xét nghiệm khác: Một số kiểm tra, xét nghiệm khác cũng có thể được thực hiện để chẩn đoán bệnh cơ tim phì đại như xét nghiệm máu, X-quang ngực, thông tim…

Phương pháp điều trị bệnh phì đại cơ tim

Tại thời điểm này, vẫn chưa có phương pháp điều trị nào có thể điều chỉnh được bệnh cơ tim phì đại. Thay vào đó, mục tiêu điều trị chủ yếu tập trung vào việc giảm nhẹ triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng của bệnh. Các phương pháp điều trị bệnh phì đại cơ tim bao gồm:

Thay đổi lối sống

Việc điều chỉnh, thay đổi lối sống có thể giúp bệnh nhân ngăn ngừa nguy cơ gặp phải các biến chứng liên quan đến cơ tim phì đại. Theo đó, người bệnh có thể:

  • Xây dựng chế độ ăn lành mạnh
  • Tập thể dục, hoạt động thể chất vừa phải
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh, giảm cân nếu bị thừa cân, béo phì
  • Hạn chế rượu bia
  • Ngủ đủ giấc, hạn chế căng thẳng thần kinh
  • Điều trị hiệu quả các bệnh lý hiện có như đái tháo đường, cao huyết áp
Phương pháp điều trị bệnh cơ tim phì đại
Việc duy trì vận động thể chất vừa phải sẽ giúp bệnh nhân ngăn ngừa các biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Sử dụng thuốc

Hiện nay, nhiều loại thuốc có thể được bác sĩ chỉ định để điều trị bệnh cơ tim phì đại, bao gồm: 

  • Thuốc chẹn beta
  • Thuốc chẹn kênh canxi
  • Thuốc điều hòa nhịp tim 
  • Thuốc làm loãng máu

Phẫu thuật, các thủ thuật khác

Tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân thực hiện phẫu thuật hoặc các thủ thuật y khoa khác như:

  • Phẫu thuật cắt cơ vách ngăn: Bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ một phần vách ngăn bị dày lên giữa các buồng tim nhằm cải thiện lưu lượng máu ra khỏi tim và giảm dòng máu chảy ngược qua van hai lá.
  • Tiêm cồn vào vách ngăn tim: Bác sĩ sẽ tiến hành tiêm cồn nguyên chất vào động mạch cung cấp máu cho vùng cơ tim phì đại. Điều này khiến vùng cơ tim phì đại không nhận được máu và sẽ thu nhỏ kích thước, giảm độ dày.   
  • Sử dụng thiết bị khử rung tim: Một thiết bị nhỏ sẽ được cấy vào cơ thể người bệnh để theo dõi nhịp tim. Nếu xảy ra tình trạng rối loạn nhịp tim gây đe dọa tính mạng, máy sẽ sốc điện để khôi phục nhịp tim, từ đó ngăn ngừa được tình trạng đột tử do tim.

Cách phòng ngừa bệnh phì đại cơ tim

Trên thực tế, không có biện pháp nào có thể giúp phòng ngừa bệnh cơ tim phì đại. Điều bạn cần làm là nhận biết sớm các triệu chứng, xác định được bệnh để có hướng điều trị phù hợp nhằm sống khỏe cùng bệnh và ngăn ngừa các biến chứng.

Trong trường hợp có bố mẹ, anh chị em ruột hay con cái mắc bệnh cơ tim phì đại, bạn cần được xét nghiệm di truyền để sàng lọc. Cùng với đó, nếu gia đình có thành viên mắc bệnh thì những thành viên còn lại nên kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm để có thể phát hiện sớm bệnh.

Câu hỏi thường gặp về bệnh cơ tim phì đại

Bệnh cơ tim phì đại có nguy hiểm không?

Phần lớn người mắc bệnh cơ tim phì đại sẽ có một cuộc sống bình thường mà không gặp phải các vấn đề liên quan đến sức khỏe. Tuy nhiên, bệnh có thể tiến triển nặng dần theo thời gian, dẫn đến suy giảm chức năng tim và gây ra một số biến chứng như: 

  • Rung tâm nhĩ
  • Viêm nội tâm mạc
  • Bệnh van hai lá
  • Bệnh giãn cơ tim
  • Suy tim
  • Đột tử do tim
Người bệnh cơ tim phì đại nên ăn gì, kiêng gì?

Theo các chuyên gia, chế độ ăn của người bị bệnh cơ tim phì đại nên:

  • Bổ sung nhiều trái cây, rau xanh và ngũ cốc
  • Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ
  • Bổ sung thực phẩm giàu omega – 3
  • Hạn chế các loại thực phẩm chứa chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa
  • Ăn ít muối

Hy vọng bài viết trên đây, Bowtie Việt Nam đã giúp bạn hiểu hơn về bệnh cơ tim phì đại, nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp chẩn đoán và điều trị để chủ động nhận biết và có cách hạn chế biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Các nguyên nhân gây tăng huyết áp mà bạn nhất định phải biết Các nguyên nhân gây tăng huyết áp mà bạn nhất định phải biết
Bệnh tim mạch

Các nguyên nhân gây tăng huyết áp mà bạn nhất định phải biết

Bệnh tim mạch là gì? Những thông tin cần biết về bệnh tim mạch Bệnh tim mạch là gì? Những thông tin cần biết về bệnh tim mạch
Bệnh tim mạch

Bệnh tim mạch là gì? Những thông tin cần biết về bệnh tim mạch

Triệu chứng xơ vữa động mạch theo từng vị trí Triệu chứng xơ vữa động mạch theo từng vị trí
Bệnh tim mạch

Triệu chứng xơ vữa động mạch theo từng vị trí

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK