Các bệnh lý khác
Các bệnh lý khác

Những điều cần biết về bệnh hen suyễn (hen phế quản)

Hen suyễn là một trong những bệnh lý khá phổ biến xảy ra ở đường hô hấp, có thể gặp phải ở bất kỳ ai.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2022-09-15
Cập nhật ngày 2023-04-26
Nội dung chính
Bệnh hen suyễn là gì?Dấu hiệu, triệu chứngNguyên nhân và yếu tố nguy cơBiến chứng của bệnhPhương pháp chẩn đoánPhương pháp điều trịCách phòng ngừa cơn hen

Bệnh hen suyễn (hen phế quản) là gì?

Vậy bạn có biết bệnh hen suyễn là gì? Các triệu chứng hay dấu hiệu nào giúp nhận biết đó là bệnh hen suyễn? Hãy cùng Bảo hiểm Bowtie tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.

Bệnh hen suyễn là gì?

Hen suyễn hay hen phế quản là tình trạng viêm mạn tính đường thở. Tình trạng này khiến các đường dẫn khí nhỏ ở phổi sưng lên, tăng tiết chất nhầy, đồng thời các cơ xung quanh co thắt chặt khiến đường thở bị thu hẹp và tắc nghẽn hơn so với bình thường, từ đó gây ra các triệu chứng điển hình của bệnh. 

Bệnh hen suyễn có thể gặp phải ở mọi đối tượng, bao gồm cả trẻ em và người lớn. Mức độ bệnh và các triệu chứng xuất hiện ở mỗi người có thể không giống nhau, tùy thuộc vào cơ địa, yếu tố gây khởi phát cơn hen và môi trường sống. 

Dấu hiệu, triệu chứng

Các triệu chứng của bệnh hen suyễn (hen phế quản) có thể xuất hiện thường xuyên hoặc đôi khi chỉ xảy ra ở những thời điểm nhất định, chẳng hạn như vào buổi tối hay khi bệnh nhân tiếp xúc với tác nhân kích thích. Các dấu hiệu nhận biết hen suyễn cũng như triệu chứng thường gặp ở mỗi đợt bùng phát cơn hen bao gồm:

  • Khó thở
  • Đau hoặc căng tức ngực
  • Thở khò khè, có tiếng ran rít ran ngáy khi hít thở
  • Ho, đặc biệt là vào ban đêm hoặc sáng sớm

Hầu hết những triệu chứng này có thể nhanh chóng được kiểm soát tại nhà bằng cách sử dụng các loại thuốc đã được chỉ định. Nhưng trong một số trường hợp, cơn hen suyễn có thể trở nên tồi tệ hơn và bệnh nhân cần phải đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt, đặc biệt nếu như:

  • Các dấu hiệu và triệu chứng hen suyễn xuất hiện nhiều, gây khó chịu hơn
  • Mức độ khó thở, thở khò khè ngày càng tăng và không cải thiện sau khi dùng thuốc
  • Nhu cầu sử dụng thuốc cắt cơn hen thường xuyên hơn
  • Triệu chứng khó thở xuất hiện ngay cả khi bạn đang nghỉ ngơi hoặc hoạt động thể chất nhẹ

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bệnh hen suyễn (hen phế quản) có thể liên quan đến nhiều yếu tố và tương đối khó để tìm ra nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bệnh hen phế quản là gì. Mặc dù vậy, các nguyên nhân gây bệnh  hen suyễn phổ biến có thể kể đến là: 

  • Di truyền: Bạn có nhiều khả năng mắc bệnh hen suyễn nếu trong gia đình có người đã mắc bệnh, đặc biệt là cha mẹ hoặc anh chị em ruột.
  • Các bệnh dị ứng: Bệnh hen phế quản dễ xảy ra ở những người có tiền sử bị dị ứng như dị ứng mạt bụi, phấn hoa…
  • Trẻ sinh ra nhẹ cân, sinh non, tiếp xúc với khói thuốc, nguồn ô nhiễm không khí hoặc nhiễm virus trong giai đoạn đầu đời có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của phổi và làm tăng nguy cơ mắc bệnh. 
  • Đô thị hóa cùng với việc thay đổi môi trường sống và lối sống thường có liên quan đến gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh lý hô hấp, bao gồm hen suyễn.

Bên cạnh đó, khả năng mắc bệnh và tần suất bùng phát cơn hen suyễn cũng chịu sự tác động của một số yếu tố nguy cơ như:

  • Thường xuyên tiếp xúc với các chất gây dị ứng và kích thích từ môi trường như hóa chất, khói bụi, chất thải, ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời, mạt bụi, nấm mốc, phấn hoa,…
  • Tình trạng nhiễm trùng hô hấp như cảm lạnh hoặc cúm
  • Sử dụng một số loại thuốc như thuốc chẹn beta, aspirin, thuốc chống viêm không steroid…
  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Tập thể dục hoặc vận động mạnh quá sức
  • Sống ở môi trường lạnh
  • Căng thẳng tinh thần

Như vậy, có thể thấy, để kiểm soát bệnh hen suyễn hiệu quả thì quan trọng nhất chính là bệnh nhân cần xác định rõ yếu tố kích thích cơn hen suyễn là gì, từ đó sẽ có được biện pháp phòng tránh thích hợp.

Nguyên nhân gây khởi phát cơn hen suyễn
Khói bụi từ môi trường có thể gây khởi phát cơn hen.

Bệnh hen suyễn có nguy hiểm không? Biến chứng của bệnh

Hen suyễn là một bệnh lý mạn tính. Trong một số ít trường hợp, bệnh có thể được cải thiện và ít xuất hiện theo thời gian nhưng phần lớn bệnh nhân phải chung sống với bệnh suốt đời. Tuy nhiên, nếu được kiểm soát tốt bằng cách tuân thủ điều trị thì bệnh hầu như không gây ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe và cuộc sống thường ngày của bệnh nhân.

Song cũng cần lưu ý rằng, mặc dù hen suyễn không phải là bệnh đặc biệt nguy hiểm nhưng đây vẫn là tình trạng nghiêm trọng cần được quan tâm kịp thời để tránh xuất hiện các biến chứng nặng hơn. Hen suyễn không được kiểm soát tốt có thể gây ra các vấn đề như:

  • Khiến bệnh nhân luôn cảm thấy mệt mỏi 
  • Hoạt động kém hiệu quả, làm giảm chất lượng cuộc sống
  • Gây mất ngủ, căng thẳng, lo lắng hoặc trầm cảm
  • Nhiễm trùng phổi (viêm phổi)
  • Chậm phát triển hoặc dậy thì ở trẻ em
  • Bùng phát cơn hen suyễn nặng, có thể đe dọa đến tính mạng

Các biến chứng cấp tính của bệnh có thể kể đến như tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất, tràn khí dưới da, suy tim cấp, hội chứng tim – phổi cấp, xẹp phân thùy phổi và tử vong do các biến chứng trên. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể gặp phải các biến chứng mạn tính của bệnh như biến dạng lồng ngực, suy hô hấp mạn hoặc tâm – phế mạn.

Phương pháp chẩn đoán

Các triệu chứng và dấu hiệu nhận biết bệnh hen suyễn có thể bị nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác ở đường hô hấp. Do đó, bạn cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán xác định bệnh nếu gặp bất kỳ biểu hiện bất thường nào hoặc nghi ngờ mắc hen suyễn. 

Bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán bệnh bằng việc khai thác thông tin về các triệu chứng mà bạn gặp phải cũng như tiền sử bệnh của bạn và gia đình. Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện thêm một số phương pháp khác để chẩn đoán xác định bệnh, bao gồm:

  • Nghe phổi trong cơn khó thở xem có ran rít, ran ngáy không
  • Đo lưu lượng đỉnh (PEF) và đánh giá chức năng hô hấp
  • Chụp X-quang phổi
  • Xét nghiệm máu
  • Xét nghiệm lẩy da hay định lượng IgE đặc hiệu
  • Dao động xung ký (IOS)
  • Đo FeNO

Phương pháp điều trị hen suyễn

Phương pháp điều trị hen suyễn
Cơn hen thường được kiểm soát hiệu quả bằng thuốc.

Dù không có cách chữa khỏi hoàn toàn nhưng bệnh hen suyễn có thể được kiểm soát hiệu quả bằng thuốc. Bác sĩ hoặc chuyên gia y tế sẽ chỉ định và hướng dẫn bệnh nhân cách sử dụng một số loại thuốc phù hợp để cắt cơn hen và cải thiện tình trạng khó thở tại nhà. 

Các thuốc điều trị hen suyễn chủ yếu gồm ba loại là:

  • Thuốc kiểm soát hen: Đây là các thuốc được dùng duy trì để điều trị bệnh hen suyễn. Với khả năng làm giảm tình trạng viêm đường thở, nhóm thuốc này giúp kiểm soát nguy cơ xuất hiện đợt hen cấp và sụt giảm chức năng hô hấp. 
  • Thuốc cắt cơn hen: Nhóm thuốc này chỉ được dùng để cắt cơn hen và làm giảm triệu chứng nhanh khi bệnh nhân khó thở hoặc gặp các đợt hen cấp. Một trong những mục tiêu quan trọng trong điều trị hen suyễn là giảm nhu cầu sử dụng thuốc cắt cơn hen cho bệnh nhân.
  • Thuốc điều trị phối hợp đối với hen nặng: Đây là các thuốc có thể được xem xét sử dụng khi bệnh nhân có triệu chứng hen suyễn dai dẳng và/hoặc vẫn còn đợt cấp dù bác sĩ đã tối ưu hóa quá trình điều trị bằng liều cao ICS/LABA và đã phòng tránh các yếu tố nguy cơ.

Nếu việc dùng thuốc không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể cân nhắc thực hiện kỹ thuật chỉnh hình phế quản bằng nhiệt. Tuy nhiên, phương pháp này không phải lúc nào cũng phù hợp với bệnh nhân.

Cách phòng ngừa cơn hen

Tương tự như việc điều trị, không có cách nào để ngăn chặn tuyệt đối các cơn hen cấp. Tuy nhiên, chuyên gia y tế hoặc bác sĩ thường khuyên bạn thực hiện một số biện pháp sau đây để giảm thiểu nguy cơ bùng phát cơn hen: 

  • Xây dựng và duy trì một lối sống lành mạnh, phù hợp với tình trạng bệnh của bản thân như tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng hợp lý…
  • Thường xuyên tái khám và tuân thủ chặt chẽ việc sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Không được tự ý thay đổi thuốc hoặc liều lượng sử dụng.
  • Tiêm phòng cúm và viêm phổi đầy đủ có thể ngăn ngừa bệnh cúm và viêm phổi làm bùng phát cơn hen
  • Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây hen suyễn, các yếu tố có thể làm bệnh trở nên trầm trọng
  • Theo dõi nhịp thở bằng cách thường xuyên đo và ghi lại lưu lượng khí tối đa khi thở bằng máy đo lưu lượng đỉnh. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách theo dõi lưu lượng đỉnh tại nhà.

Tóm lại, việc nhận biết sớm bệnh hen suyễn và có biện pháp kiểm soát thích hợp sẽ giúp bệnh nhân giảm bớt gánh nặng do bệnh, duy trì sức khỏe ổn định và đảm bảo được chất lượng cuộc sống. Vì vậy, nếu gặp phải các triệu chứng của hen suyễn, bạn nên sớm đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Bệnh hen suyễn (hen phế quản) có chữa được không? Có cách nào chữa triệt để? Bệnh hen suyễn (hen phế quản) có chữa được không? Có cách nào chữa triệt để?
Các bệnh lý khác

Bệnh hen suyễn (hen phế quản) có chữa được không? Có cách nào chữa triệt để?

Nguyên nhân gan nhiễm mỡ: Rượu bia có phải là Nguyên nhân gan nhiễm mỡ: Rượu bia có phải là
Các bệnh lý khác

Nguyên nhân gan nhiễm mỡ: Rượu bia có phải là "thủ phạm" duy nhất

Bệnh sốt xuất huyết có lây không và lây qua đường nào? Bệnh sốt xuất huyết có lây không và lây qua đường nào?
Các bệnh lý khác

Bệnh sốt xuất huyết có lây không và lây qua đường nào?

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK