Các bệnh lý khác
Các bệnh lý khác

Thông tin về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (hay COPD) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên toàn thế giới. Bệnh COPD có thể gây ra các triệu chứng hô hấp như ho, khó thở, tức ngực…
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2022-09-28
Cập nhật ngày 2023-04-26
Nội dung chính
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là gì?Triệu chứng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)Nguyên nhân gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tínhYếu tố làm tăng nguy cơ COPDBiến chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)Phương pháp chẩn đoán COPDPhương pháp điều trị COPDCách phòng ngừa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tínhCâu hỏi thường gặp về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Những điều cần biết về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

Theo số liệu điều tra Quốc gia, năm 2011, có đến 4,2% dân số Việt Nam mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Tỷ lệ này đang có xu hướng ngày càng gia tăng do nhiều yếu tố nguy cơ như tiếp xúc với khói thuốc, ô nhiễm môi trường, chất đốt sinh khối, phơi nhiễm nghề nghiệp cùng với sự già hóa dân số. Dù có tỷ lệ mắc và tử vong cao nhưng COPD là căn bệnh có thể dự phòng và điều trị được.

Vậy để hiểu bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD là gì, làm thế nào để nhận biết và điều trị hiệu quả, mời bạn cùng Bảo hiểm trực tuyến Bowtie theo dõi bài viết dưới đây nhé!

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là gì?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh lý hô hấp mạn tính, đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp dai dẳng và có sự tắc nghẽn luồng khí thở ra, không có khả năng hồi phục hoàn toàn. Bệnh là hậu quả của những bất thường ở đường thở và/hoặc phế nang, thường do phơi nhiễm với các chất độc hại, đặc biệt là khói thuốc. Bệnh được chia thành hai kiểu hình chính là: 

  • Viêm phế quản mạn tính: Là tình trạng niêm mạc phế quản thường xuyên bị kích thích, gây viêm và sưng lên. Biểu hiện đặc trưng là ho và tăng sản xuất chất nhầy (đờm) hàng ngày.
  • Khí phế thũng: Là tình trạng các túi khí (phế nang) nằm ở tiểu phế quản bị phá hủy, do tiếp xúc với khói thuốc lá và/hoặc các chất dạng hạt khác có trong không khí.

Hầu hết những người bị COPD đều phát triển cả khí phế thũng và viêm phế quản mạn tính, tuy nhiên mức độ nghiêm trọng có thể khác nhau ở mỗi người.

Triệu chứng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

Ban đầu, bệnh nhân COPD thường không nhận thấy các triệu chứng hoặc chỉ gặp triệu chứng ở mức độ nhẹ. Khi bệnh tiến triển gây tổn thương đáng kể ở phổi, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD bao gồm:

  • Khó thở, đặc biệt khi hoạt động thể chất
  • Thở khò khè
  • Có tiếng rít khi hít thở
  • Ho dai dẳng hoặc ho ra nhiều chất nhầy (đờm) có màu trong, trắng, vàng hoặc xanh
  • Tức ngực
  • Nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên
  • Thiếu năng lượng, suy nhược và mệt mỏi
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Sưng ở mắt cá chân, bàn chân hoặc cẳng chân

Các triệu chứng này có thể trở nên tồi tệ hơn trong một số trường hợp. Hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu các triệu chứng của bạn không có dấu hiệu cải thiện hoặc khi nhận thấy bất kỳ biểu hiện nào sau đây: 

  • Ho kèm theo chất nhầy trong thời gian dài
  • Mức độ khó thở tăng lên, đôi khi không thể thở được
  • Chất nhầy có mùi hôi hoặc có lẫn máu 
  • Sốt
  • Tim đập nhanh
  • Môi hoặc móng tay bị tím tái, có màu xanh do không đủ oxy
Triệu chứng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD
Ho dai dẳng ở người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

Nguyên nhân gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Nguyên nhân chính gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD thường là do tiếp xúc lâu ngày với các chất kích thích, dẫn đến tổn thương phổi và đường hô hấp. Cụ thể, hút thuốc là nguyên nhân gây ra khoảng 75 – 90% các trường hợp COPD. Các nguyên nhân khác có thể bao gồm: 

  • Rối loạn di truyền: thiếu alpha-1 antitrypsin (AAT)
  • Hút thuốc lá thụ động
  • Ô nhiễm không khí, khói bụi, hóa chất từ môi trường hoặc nơi làm việc

Yếu tố làm tăng nguy cơ COPD

Mặc dù hút thuốc là nguyên nhân chính gây ra COPD nhưng không phải ai hút thuốc cũng phát triển bệnh. Thay vào đó, nguy cơ có thể cao hơn ở những người mang các yếu tố sau đây:

  • Là phụ nữ
  • Từ 40 tuổi trở lên, đặc biệt là người trên 65 tuổi
  • Sống ở khu vực bị ô nhiễm không khí
  • Làm việc trong môi trường nhiều hóa chất và khói bụi
  • Mắc nhiều bệnh nhiễm trùng hô hấp trong thời thơ ấu
  • Tiếp xúc với khói thuốc lá hoặc khói do đốt cháy nhiên liệu trong thời gian dài
  • Người bị bệnh hen suyễn 
  • Rối loạn di truyền học như thiếu alpha-1 antitrypsin

Biến chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

Một số biến chứng có khả năng xuất hiện ở người mắc bệnh COPD, bao gồm:

  • Nhiễm trùng đường hô hấp
  • Các vấn đề ở phổi như viêm phổi, xẹp phổi, ung thư phổi
  • Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bao gồm nhồi máu cơ tim
  • Huyết áp cao trong động mạch phổi (tăng áp động mạch phổi)
  • Lo lắng và trầm cảm 
  • Máu cung cấp không đủ lượng oxy lên não, từ đó gây ra các vấn đề về nhận thức như lú lẫn, giảm trí nhớ…
  • Loãng xương
  • Hoạt động thể chất bị cản trở do khó thở, nguy cơ dẫn đến béo phì và bệnh tim mạch

Phương pháp chẩn đoán COPD

Để chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bác sĩ sẽ bắt đầu bằng việc khám lâm sàng và khai thác một số thông tin liên quan đến bệnh sử gia đình, bệnh sử cá nhân của bạn, triệu chứng mà bạn gặp phải cũng như các yếu tố môi trường làm tăng khả năng mắc bệnh. 

Bác sĩ cũng yêu cầu bạn thực hiện một hoặc một số kiểm tra, xét nghiệm sau để chẩn đoán bệnh: 

  • Đo chức năng thông khí phổi
  • Chụp X-quang phổi
  • Chụp cắt lớp vi tính ngực lớp mỏng 1mm độ phân giải cao
  • Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG) 
  • Siêu âm tim
  • Đo độ bão hòa oxy qua da (SpO2)
  • Xét nghiệm phân tích chất nhầy
  • Đo khí máu động mạch (ABGs) 
  • Đo thể tích cặn, dung tích toàn phổi
  • Đo khuếch tán khí (DLCO)
  • Đo thể tích ký thân
  • Thực hiện bài tập kiểm tra thể chất để xác định xem nồng độ oxy trong máu có giảm khi bạn tập thể dục hay không
Chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Đo chức năng thông khí phổi trong chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Phương pháp điều trị COPD

Không có phương pháp nào chữa khỏi hoàn toàn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Các tổn thương ở phổi do bệnh COPD là vĩnh viễn và không thể hồi phục. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể tập trung vào việc điều trị để giảm triệu chứng, làm chậm sự tiến triển của bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống. 

Các biện pháp có thể áp dụng trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bao gồm:

  • Sử dụng thuốc giãn phế quản dạng hít giúp làm thông thoáng đường thở, cải thiện triệu chứng của bệnh.
  • Sử dụng thuốc corticosteroid dạng hít hoặc dạng uống để giảm viêm và sưng mô phổi.
  • Một số loại thuốc khác cũng được kết hợp để giảm triệu chứng COPD như thuốc long đờm, thuốc kháng histamine, thuốc kháng sinh, thuốc kháng cholinergic, theophylline…
  • Liệu pháp bổ sung oxy được chỉ định cho người bệnh COPD có nồng độ oxy trong máu thấp. 
  • Chương trình phục hồi chức năng phổi 

Trong các trường hợp nặng, bệnh nhân có thể được xem xét tiến hành phẫu thuật cắt bỏ mô phổi bị bệnh, tạo điều kiện thuận lợi để các mô khỏe mạnh có thể giãn nở và co lại tốt hơn, duy trì được khả năng hoạt động bình thường của phổi.

Cách phòng ngừa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bởi vì nguyên nhân gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính chủ yếu có liên quan đến việc hút thuốc và tiếp xúc lâu dài với các chất gây kích thích. Do đó, một số biện pháp sau đây có thể giúp ngăn ngừa COPD hoặc hạn chế các biến chứng liên quan đến bệnh:

  • Bỏ thuốc lá, tránh xa khói thuốc
  • Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân kích thích như ô nhiễm môi trường, khói bụi, hóa chất
  • Duy trì lối sống khoa học, hợp lý bằng cách tập thể dục thường xuyên, xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh…
  • Tiêm phòng cúm hàng năm và chủng ngừa thường xuyên giúp ngăn ngừa bệnh viêm phổi do phế cầu khuẩn, làm giảm nguy cơ và ngăn ngừa một số bệnh nhiễm trùng
  • Nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ nếu cảm thấy tâm trạng đang lo lắng, buồn bã, bất lực hoặc trầm cảm

Câu hỏi thường gặp về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

COPD có chữa khỏi được không?

Hiện nay, vẫn chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Tuy nhiên, việc điều trị có thể giúp làm chậm tiến triển của bệnh và kiểm soát các triệu chứng.

Người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên ăn gì, kiêng gì?

Bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên bổ sung các loại thực phẩm sau vào chế độ ăn uống:

  • Ngũ cốc nguyên hạt
  • Rau củ có màu xanh đậm hoặc màu cam như bông cải xanh, cà rốt
  • Trái cây, bao gồm cả trái cây tươi, trái cây đông lạnh, đóng hộp hoặc khô
  • Sữa ít béo hoặc không béo, sữa chua và các sản phẩm từ sữa khác
  • Cá, thịt nạc và thịt gia cầm bỏ da
  • Các loại đậu
  • Các loại hạt và quả hạch
  • Thực phẩm chứa nhiều canxi và vitamin D như sữa, phô mai, sữa chua… 
  • Thực phẩm giàu kali như cam, chuối, khoai tây, măng tây, cà chua…
  • Thực phẩm giàu chất xơ như rau, trái cây, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt…
  • Chất béo lành mạnh như bơ, dầu dừa, cá béo…
  • Các loại thực phẩm chứa carbohydrate phức hợp như khoai tây, đậu Hà Lan, yến mạch, các loại đậu…

Đồng thời, người bệnh nên hạn chế:

  • Muối (natri)
  • Đồ uống chứa caffein như cà phê, trà, đồ uống có ga…
  • Các loại thực phẩm, đồ uống gây đầy hơi như đồ uống có ga, thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ và gia vị…
  • Các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa

Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu được bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là gì cũng như biết thêm một số thông tin liên quan đến bệnh. Để chẩn đoán chính xác và điều trị có hiệu quả, bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu khác thường nào.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Xét nghiệm bệnh giang mai ở đâu? Tham khảo ngay 11 địa chỉ uy tín Xét nghiệm bệnh giang mai ở đâu? Tham khảo ngay 11 địa chỉ uy tín
Các bệnh lý khác

Xét nghiệm bệnh giang mai ở đâu? Tham khảo ngay 11 địa chỉ uy tín

12 cách điều trị bệnh cúm A tại nhà để giảm triệu chứng, nhanh khỏe 12 cách điều trị bệnh cúm A tại nhà để giảm triệu chứng, nhanh khỏe
Các bệnh lý khác

12 cách điều trị bệnh cúm A tại nhà để giảm triệu chứng, nhanh khỏe

Bệnh nhân sốt xuất huyết bị chảy máu chân răng có nguy hiểm không? Bệnh nhân sốt xuất huyết bị chảy máu chân răng có nguy hiểm không?
Các bệnh lý khác

Bệnh nhân sốt xuất huyết bị chảy máu chân răng có nguy hiểm không?

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK