Ung thư
Ung thư

Bệnh ung thư là gì? Những điều cơ bản cần biết về ung thư

Ung thư xảy ra khi có sự đột biến ở 2 nhóm gen chính là gen tiền ung thư (proto-oncogene) và gen đè nén khối u (tumor suppressor gene) của một hay nhiều tế bào trong cơ thể. Lúc này, các tế bào tăng sinh ngoài tầm kiểm soát, gây hình thành khối u ác tính có khả năng xâm lấn đến các mô lân cận, hạch bạch huyết và các cơ quan xa trong cơ thể (thường là gan, phổi, não và xương).
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Tham vấn y khoa/chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Trần Kiến Bình
Ngày đăng 2022-09-07
Cập nhật ngày 2023-07-25
Nội dung chính
Bệnh ung thư là gì?Dấu hiệu nhận biết bệnh ung thưUng thư hình thành như thế nào? Nguyên nhân gây bệnh ung thưYếu tố nguy cơ của ung thưBiến chứng của ung thưPhương pháp chẩn đoán ung thưCác phương pháp điều trị ung thưCách phòng ngừa ung thưCâu hỏi thường gặp về bệnh ung thư
Tìm hiểu bệnh ung thư là gì?

Để điều tra về tỷ lệ mắc mới cũng như tỷ lệ tử vong của 36 loại ung thư ở 185 quốc gia trên thế giới, Cơ quan Nghiên cứu Quốc tế về Ung thư (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xây dựng nên chương trình dịch tễ học Global Cancer Observatory, gọi tắt là GLOBOCAN. Theo số liệu thống kê mới nhất của GLOBOCAN, năm 2020, Việt Nam có 182.563 ca mắc mới ung thư. Trong đó, số ca tử vong do bệnh lý này lên đến con số 122.690 ca. 

Ung thư rất nguy hiểm và là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau bệnh lý tim mạch. Tuy nhiên, việc tìm hiểu khái niệm và thông tin về bệnh ung thư giờ đây đã dễ dàng hơn, giúp bạn hiểu rõ và có cách chăm sóc sức khỏe để ngăn ngừa bệnh ngay từ hôm nay.

Bệnh ung thư là gì?

Ung thư là căn bệnh xảy ra khi một số tế bào của cơ thể tăng trưởng ngoài tầm kiểm soát, gây hình thành khối u. Tế bào ung thư có thể phát triển ở bất kỳ nơi nào trong cơ thể con người, bao gồm cả các cơ quan, cơ, xương và máu. Theo đó, bệnh ung thư cũng sẽ được chia thành 2 nhóm lớn là:

  • Nhóm bướu đặc: Tế bào ung thư hình thành ở các cơ quan như gan, phổi, đại trực tràng, não…
  • Nhóm ung thư hệ huyết học: Bao gồm ung thư hạch và bệnh bạch cầu. 

Bình thường, các tế bào sinh trưởng và nhân lên (thông qua quá trình phân chia tế bào) để hình thành tế bào mới theo nhu cầu của cơ thể. Khi tế bào cũ già đi hoặc bị hư tổn, chúng sẽ chết và được thay thế bằng các tế bào mới này.

Tuy nhiên, trình tự trên đôi khi bị phá vỡ và các tế bào bất thường bắt đầu sinh trưởng không thể kiểm soát. Nhiều tế bào như vậy tập hợp lại sẽ tạo thành khối u, có thể lành tính hoặc ác tính. Khác với các khối u lành tính, ung thư (khối u ác tính) có khả năng xâm lấn vào các mô khác cũng như lan rộng sang các bộ phận khác.

Bệnh có khả năng xảy ra ở cả nam và nữ giới. Ung thư gan, ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng và ung thư tuyến tiền liệt là 5 loại ung thư thường gặp ở nam giới. Trong khi đó, các bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ là ung thư vú, ung thư phổi, ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày và ung thư gan. 

Dấu hiệu nhận biết bệnh ung thư

Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh ung thư sẽ khác nhau tùy thuộc vào phần cơ thể bị ảnh hưởng. Một số trường hợp phát hiện bệnh khi có những triệu chứng xuất hiện mà không biến mất. Một số người có thể phát hiện ung thư trong quá trình khám sàng lọc định kỳ, trước cả khi bệnh biểu hiện thành triệu chứng.

Một số dấu hiệu và triệu chứng chung thường liên quan đến ung thư nhưng không đặc hiệu gồm:

  • Chảy máu hay chảy dịch bất thường
  • Khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, khó nuốt
  • Các bất thường trên da, đặc biệt là tình trạng nốt ruồi biến đổi 
  • Thay đổi thói quen đi vệ sinh (tiểu tiện, đại tiện)
  • Ho hoặc khàn giọng kéo dài
  • Á sừng, vết loét lâu lành
  • Xuất hiện những khối cứng bất thường trên cơ thể
Dấu hiệu nhận biết bệnh ung thư
Dấu hiệu bệnh ung thư sẽ khác nhau tùy vào cơ quan xuất hiện cũng như từng bệnh nhân.

Ung thư hình thành như thế nào? Nguyên nhân gây bệnh ung thư

Ung thư xảy ra do những thay đổi (đột biến) trong các gen kiểm soát chức năng của tế bào, đặc biệt trong cách tế bào sinh trưởng và phân chia. Những biến đổi trong gen gây ung thư có thể xuất hiện do:

  • Nguyên nhân bên trong: Liên quan đến di truyền, miễn dịch và đột biến gen
  • Nguyên nhân bên ngoài: 
    • Liên quan đến yếu tố vật lý như bức xạ cực tím, bức xạ ion hóa…
    • Liên quan đến yếu tố hóa học như thuốc, hóa chất, chất kích thích, dinh dưỡng… 
    • Liên quan đến yếu tố sinh học như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng…

Thông thường, tế bào có khả năng nhận biết và sửa chữa các đột biến. Tuy nhiên, khả năng này giảm dần khi cơ thể già đi hoặc sự đột biến của khối u sản sinh ra các cơ chế vượt qua được hàng rào kiểm soát miễn dịch của cơ thể. 

Bài viết liên quan:

Yếu tố nguy cơ của ung thư

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư, bao gồm:

  • Tuổi tác: Phần lớn trường hợp được chẩn đoán bệnh ung thư ở độ tuổi trên 65.
  • Yếu tố liên quan đến lối sống: Một số thói quen như hút thuốc, uống rượu bia, tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, béo phì, quan hệ tình dục không an toàn… có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Bệnh sử của gia đình: Một phần nhỏ các trường hợp ung thư có liên quan đến yếu tố di truyền. 
  • Bệnh sử của bản thân: Một số bệnh mạn tính như viêm loét đại tràng, có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư.
  • Yếu tố môi trường: Môi trường quanh bạn có thể chứa nhiều hóa chất độc hại làm tăng nguy cơ mắc ung thư như khói thuốc lá, amiăng, benzen…

Biến chứng của ung thư

Biến chứng bệnh ung thư
Ung thư có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.

Không chỉ ung thư mà các phương pháp điều trị căn bệnh này cũng có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh, bao gồm:

  • Đau đớn, mệt mỏi
  • Khó thở
  • Tiêu chảy hoặc táo bón
  • Buồn nôn, nôn
  • Sụt cân
  • Các vấn đề về não và hệ thần kinh
  • Phản ứng bất thường của hệ miễn dịch do ung thư
  • Ung thư di căn hoặc tái phát

Phương pháp chẩn đoán ung thư

Để xác định được loại ung thư và những thông tin cần thiết khác (như vị trí, giai đoạn ung thư, tình trạng sức khỏe của người bệnh), bác sĩ cần tiến hành nhiều kiểm tra và xét nghiệm:

  • Khám lâm sàng để tìm kiếm những bất thường có thể quan sát được trên cơ thể như thay đổi màu sắc da, phì đại một cơ quan nào đó hoặc sờ chạm khối u/hạch
  • Các xét nghiệm như xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu…
  • Các chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cắt lớp phát xạ positron (PET), chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp X-quang…
  • Sinh thiết lấy mẫu tế bào để phân tích dưới kính hiển vi, kết quả giải phẫu bệnh là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định ung thư
  • Xét nghiệm các dấu hiệu sinh học hướng khối u như CEA, CA 15-3, CA 12-5, LDH, HCG…

Các phương pháp điều trị ung thư

Khi được chẩn đoán ung thư, bác sĩ sẽ xây dựng một phác đồ điều trị riêng cho từng người bệnh dựa trên kết quả thăm khám. Những lựa chọn trong điều trị ung thư gồm có:

  • Phẫu thuật
  • Hóa trị
  • Xạ trị
  • Liệu pháp hormone (liệu pháp nội tiết)
  • Liệu pháp nhắm trúng đích
  • Liệu pháp miễn dịch
  • Cấy ghép tủy xương
  • Liệu pháp gene

Bác sĩ có thể kết hợp nhiều phương pháp khác nhau để điều trị cho bệnh nhân ung thư, tùy thuộc vào loại và giai đoạn bệnh tại thời điểm được chẩn đoán. Bác sĩ cũng sẽ thảo luận với người bệnh về những phương pháp điều trị phù hợp để cùng đưa ra lựa chọn tốt nhất.

Cách phòng ngừa ung thư

Để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, bạn cần chú ý đến những điều sau:

  • Bỏ hút thuốc lá và hạn chế tiếp xúc với khói thuốc
  • Hạn chế rượu, bia
  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời quá lâu
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh
  • Tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày
  • Duy trì cân nặng phù hợp
  • Khám sàng lọc ung thư định kỳ
  • Tìm hiểu về một số vaccine giúp phòng ngừa các bệnh do virus gây ra có thể làm tăng nguy cơ ung thư như viêm gan B, HPV…

Câu hỏi thường gặp về bệnh ung thư

Bệnh ung thư có lây không?

Ung thư không phải là một bệnh truyền nhiễm và không có khả năng lây truyền. Người bệnh không thể lây ung thư cho người khác thông qua bất kỳ con đường nào, dù là dùng chung bữa, hít thở chung, tiếp xúc thân mật hay quan hệ tình dục. Vì vậy, người thân hoàn toàn có thể yên tâm khi chăm sóc bệnh nhân ung thư mà không lo lây nhiễm bệnh.

Khối u lành tính có thể phát triển thành ung thư không?

Một số khối u lành tính có thể tiến triển thành ung thư theo thời gian (ví dụ như các khối u ở đại tràng hoặc trên da). Vì vậy, nếu có khối u lành tính, các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân nên thăm khám sức khỏe thường xuyên để theo dõi hoặc phẫu thuật cắt bỏ triệt để khi có thể.

Tìm hiểu về bệnh ung thư sẽ giúp bạn có thêm kiến thức để chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Ngày nay, các phương pháp điều trị ung thư đã có nhiều bước tiến mới giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Đồng thời, nhiều phương thức đảm bảo, hỗ trợ chi phí điều trị bệnh cũng đã được ra đời, chẳng hạn như các gói bảo hiểm bệnh hiểm nghèo, bảo hiểm ung thư.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Bệnh bạch cầu: Loại ung thư ở các tế bào tạo máu Bệnh bạch cầu: Loại ung thư ở các tế bào tạo máu
Ung thư

Bệnh bạch cầu: Loại ung thư ở các tế bào tạo máu

Liệu pháp miễn dịch - Bước tiến trong điều trị ung thư phổi Liệu pháp miễn dịch - Bước tiến trong điều trị ung thư phổi
Ung thư

Liệu pháp miễn dịch - Bước tiến trong điều trị ung thư phổi

5 vị trí di căn phổ biến của ung thư phổi và dấu hiệu cảnh báo 5 vị trí di căn phổ biến của ung thư phổi và dấu hiệu cảnh báo
Ung thư

5 vị trí di căn phổ biến của ung thư phổi và dấu hiệu cảnh báo

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK