Ung thư
Ung thư

Nguyên nhân ung thư tinh hoàn và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân dẫn đến ung thư tinh hoàn hiện chưa được xác định rõ nhưng có liên quan đến sự thay đổi trong ADN của tế bào tinh hoàn. Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Tham vấn y khoa/chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Trần Kiến Bình
Ngày đăng 2023-01-03
Cập nhật ngày 2023-07-25
Nội dung chính
Nguyên nhân ung thư tinh hoàn là gì?Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn
Nguyên nhân ung thư tinh hoàn

Ung thư tinh hoàn xảy ra khi các tế bào ở tinh hoàn bắt đầu phát triển bất thường, ngoài tầm kiểm soát và gây hình thành khối u ác tính. Bệnh thường có tiên lượng sống tương đối khả quan, đặc biệt khi được phát hiện sớm và điều trị hiệu quả. Theo thống kê, khi tính trên tất cả các giai đoạn, 90% bệnh nhân ung thư tinh hoàn có thể được điều trị thành công. Trong đó, 80% người bệnh ở giai đoạn tiến triển vẫn được chữa khỏi.

Ngoài việc nắm rõ các dấu hiệu ung thư tinh hoàn để nhận biết bệnh, nam giới cũng nên tìm hiểu về nguyên nhân bị ung thư tinh hoàn và những yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh để từ đó xác định được nguy cơ của bản thân và có cách tầm soát, kiểm tra từ sớm. 

Nguyên nhân ung thư tinh hoàn là gì?

Cho đến hiện nay, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh ung thư tinh hoàn vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ung thư tinh hoàn bắt đầu khi có sự thay đổi trong ADN của tế bào tinh hoàn. ADN là một vật liệu di truyền tạo nên các gen giúp chi phối và điều hướng hoạt động của tế bào. Chúng kiểm soát thời điểm tế bào phát triển, phân chia để tạo thành tế bào mới cũng như chết đi. Theo đó, các gen liên quan đến ung thư được chia làm 2 nhóm:

  • Gen tiền ung thư (proto – oncogene): Các gen này kích thích tế bào ung thư phát triển và phân chia.
  • Gen ức chế khối u (tumor suppressor gene): Các gen này kiểm soát quá trình phân chia của tế bào hoặc giúp chúng chết đúng thời điểm (còn gọi là “chết tế bào theo lập trình – apoptosis”). Đồng thời, gen ức chế khối u cũng phát hiện và sửa chữa những sai hỏng của ADN.

Ung thư tinh hoàn có xu hướng xảy ra khi xuất hiện những thay đổi làm kích thích các gen tiền ung thư làm tắt các gen ức chế khối u. Điều này khiến các tế bào tinh hoàn phát triển và nhân lên nhanh chóng, thoát khỏi sự kiểm soát bình thường và không chết đi theo đúng lập trình. Những tế bào bất thường sẽ kết hợp lại với nhau và tạo thành khối u. 

Đa số trường hợp ung thư tinh hoàn đều bắt đầu từ các tế bào mầm. Đây là những tế bào trong tinh hoàn có vai trò sản xuất tinh trùng. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra những thay đổi ADN trong tế bào mầm.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn

Dù chưa xác định rõ ràng nguyên nhân gây đột biến ADN trong tế bào tinh hoàn nhưng một số yếu tố đã được chứng minh là có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn, bao gồm:

Tinh hoàn ẩn hay tinh hoàn lạc chỗ

Tinh hoàn ẩn hay tinh hoàn lạc chỗ là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của ung thư tinh hoàn. Nam giới bị tinh hoàn ẩn có khả năng phát triển ung thư tinh hoàn cao gấp nhiều lần so với người bình thường.

Tinh hoàn sẽ phát triển bên trong ổ bụng của thai nhi và di chuyển xuống bìu trước khi sinh. Tuy nhiên, ở khoảng 3 – 5% bé trai, tinh hoàn không đi xuống bìu như bình thường, được gọi là tình trạng tinh hoàn ẩn. Một bé trai có thể có một hoặc cả hai tinh hoàn cùng ẩn trong ổ bụng. Trong một số trường hợp, tinh hoàn đã di chuyển xuống phía dưới nhưng chưa đến được bìu mà nằm ở vùng bẹn.

Theo đó, nam giới bị tinh hoàn ẩn có nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn cao hơn người bình thường. Nếu tinh hoàn nằm ở trong bụng, nguy cơ này sẽ cao hơn gấp 4 lần so với khi tinh hoàn ở vị trí trên thành bụng, nếu cả hai tinh hoàn cùng lạc chỗ thì nguy cơ càng gia tăng. Khả năng phát triển bệnh vẫn cao ngay cả khi bệnh nhân đã được phẫu thuật để đưa tinh hoàn xuống bìu. 

Dù vậy, nếu phát hiện tinh hoàn lạc chỗ, điều quan trọng nhất vẫn là phải phẫu thuật để đưa tinh hoàn về đúng vị trí. Phẫu thuật nên diễn ra ở thời điểm càng sớm càng tốt. Việc này sẽ giúp giảm được nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn về sau (đây còn được gọi là phẫu thuật dự phòng ung thư).    

Tuổi tác

Tuổi tác là một trong những yếu tố nguy cơ của ung thư tinh hoàn. Mặc dù bệnh có thể gặp phải ở mọi độ tuổi, từ trẻ nhỏ đến người già nhưng khoảng một nửa số trường hợp ung thư tinh hoàn được chẩn đoán ở nam giới trong độ tuổi từ 20 – 34.

Nguyên nhân ung thư tinh hoàn và yếu tố nguy cơ
Khoảng một nửa số bệnh nhân ung thư tinh hoàn thuộc độ tuổi từ 20 - 34.

Chủng tộc

Nguy cơ ung thư tinh hoàn ở nam giới da trắng cao gấp 4 – 5 lần so với nam giới Mỹ gốc Á và Mỹ lai Phi. Trên thế giới, nguy cơ mắc bệnh cao nhất ở nam giới sống ở Mỹ và châu Âu, thấp nhất ở nam giới sống tại châu Phi hoặc châu Á. 

Kích thước cơ thể

Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, những người đàn ông cao lớn có nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn cao hơn một chút so với người bình thường. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ nào giữa ung thư tinh hoàn và trọng lượng cơ thể.

Tiền sử gia đình

Tiền sử gia đình cũng là một trong những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn. Các bé trai hoặc những người đàn ông có người thân trong gia đình như bố, anh em trai mắc ung thư tinh hoàn hoặc tinh hoàn ẩn có khả năng phát triển bệnh cao hơn người bình thường. Theo đó, nếu có bố mắc ung thư tinh hoàn, bạn có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 4 lần so với người khác. Nếu có anh em trai mắc bệnh, nguy cơ này có thể cao gấp 8 – 9 lần.

Tiền sử bản thân từng bị ung thư tinh hoàn

Nam giới từng bị ung thư ở một bên tinh hoàn có nguy cơ mắc ung thư ở bên còn lại cao gấp 12 – 18 lần bình thường. Theo đó, khoảng 3 – 4% bệnh nhân đã điều trị thành công ung thư ở một bên tinh hoàn đến một lúc nào đó sẽ phát triển bệnh ở bên tinh hoàn còn lại. Vì lý do này, bệnh nhân cần phải theo dõi chặt chẽ tình trạng của bên tinh hoàn còn lại ngay cả khi đã điều trị thành công.

Nhiễm HIV/AIDS

Một số bằng chứng cho thấy, nam giới nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV), đặc biệt là người bị AIDS, có nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn cao hơn. Ngoài HIV, không có tình trạng nhiễm trùng nào khác được chứng minh là làm tăng khả năng mắc bệnh.

Mắc ung thư tế bào mầm tại chỗ

Chuyên gia sức khỏe cho rằng, hầu hết các trường hợp ung thư tinh hoàn được chẩn đoán sau tuổi dậy thì đều phát triển từ ung thư tế bào mầm tại chỗ. Ung thư tế bào mầm tại chỗ là tập hợp các tế bào bất thường phát triển trong tinh hoàn, chưa hình thành khối u và chưa gây ra bất kỳ triệu chứng gì. 

Nếu không được chẩn đoán và điều trị, ung thư tế bào mầm tại chỗ có 50% khả năng phát triển thành ung thư trong vòng 5 năm mắc bệnh. Khi phát hiện tình trạng này, bác sĩ có thể sử dụng phương pháp xạ trị hoặc phẫu thuật để ngăn ngừa ung thư tinh hoàn. 

Dị tật bẩm sinh ở đường tiết niệu

Dù không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh ung thư tinh hoàn nhưng các dị tật bẩm sinh ở đường tiết niệu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là tình trạng lỗ tiểu lệch thấp. Đây là một bất thường bẩm sinh ở dương vật, trong đó lỗ tiểu mở ra ở mặt bụng dương vật thay vì ở đỉnh dương vật do quá trình phát triển bất thường của niệu đạo trước, vật xốp, vật hang và bao quy đầu trong thai kỳ. Vì vậy, các bé trai và những người đàn ông có các dị tật bẩm sinh ở đường tiết niệu nên tiến hành thăm khám, tầm soát ung thư tinh hoàn định kỳ để sớm phát hiện những bất thường. 

Tóm lại, nguyên nhân của bệnh ung thư tinh hoàn hiện vẫn chưa được xác định rõ nhưng có liên quan đến những thay đổi trong ADN của tế bào tinh hoàn. Ngoài ra, một số yếu tố như bị tinh hoàn ẩn, tuổi tác, kích thước cơ thể, tiền sử gia đình, tiền sử bản thân, nhiễm HIV, mắc ung thư tế bào mầm tại chỗ và dị tật bẩm sinh ở đường tiết niệu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Ung thư da: Hiểu đúng để phát hiện, điều trị kịp thời Ung thư da: Hiểu đúng để phát hiện, điều trị kịp thời
Ung thư

Ung thư da: Hiểu đúng để phát hiện, điều trị kịp thời

Bỏ túi ngay 7 cách giảm ho hiệu quả cho người ung thư phổi Bỏ túi ngay 7 cách giảm ho hiệu quả cho người ung thư phổi
Ung thư

Bỏ túi ngay 7 cách giảm ho hiệu quả cho người ung thư phổi

10 dấu hiệu phát hiện sớm ung thư cổ tử cung dễ nhận biết 10 dấu hiệu phát hiện sớm ung thư cổ tử cung dễ nhận biết
Ung thư

10 dấu hiệu phát hiện sớm ung thư cổ tử cung dễ nhận biết

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK