Bệnh về hệ thần kinh
Bệnh về hệ thần kinh

Sơ cứu đột quỵ: Phải vừa nhanh vừa đúng

Sơ cứu đột quỵ kịp thời và đúng cách sẽ giúp người bệnh tăng cơ hội sống sót và phục hồi. Nếu chậm trễ, các tế bào não sẽ chết đi càng nhiều, khiến bệnh nhân tử vong hoặc để lại cho họ các di chứng vô cùng nặng nề.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2022-09-07
Cập nhật ngày 2023-04-26
Nội dung chính
Nhận biết dấu hiệu đột quỵ để sơ cứu kịp thờiCách sơ cứu người bị đột quỵ tại nhàNhững lưu ý khi sơ cứu người bị đột quỵ

Cách sơ cứu đột quỵ

Đột quỵ xảy ra khi các mạch máu não bị tắc nghẽn hoặc vỡ ra, làm gián đoạn dòng máu cung cấp cho một phần của não. Tế bào não sẽ bắt đầu chết sau vài phút không nhận được đủ máu mang oxy và các chất dinh dưỡng cần thiết. 

Với người đột quỵ, thời gian “sống còn” được tính bằng giây. Thời gian đột quỵ càng kéo dài thì số lượng tế bào não chết đi càng nhiều. Khi đó, việc phục hồi chức năng não bộ cũng khó khăn hơn, đôi khi không còn cơ hội cứu chữa được nữa. Vì vậy, những điều bạn làm để giúp bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu kịp thời chính là “chìa khóa” để cứu sống họ. Hãy cùng Bowtie Việt Nam tìm hiểu về cách sơ cứu người bị đột quỵ cũng như những lưu ý trong quá trình này để xử lý vừa nhanh vừa đúng nhé.

Nhận biết dấu hiệu đột quỵ để sơ cứu kịp thời

Khi nhận thấy một người có dấu hiệu đột quỵ, bạn cần gọi điện ngay đến Trung tâm cấp cứu 115. Mỗi giây phút trôi qua đều rất quan trọng với người bệnh. Bạn hãy ghi nhớ quy tắc F.A.S.T trong đột quỵ để dễ dàng nhận ra biểu hiện của bệnh:

  • F – Face (Mặt): Người bệnh có thể bị liệt, méo miệng, khuôn mặt xệ xuống một bên, quan sát rõ nhất khi cố gắng mỉm cười.
  • A – Arm (Tay): Bệnh nhân sẽ khó hoặc không thể cử động tay chân, đôi khi bị tê liệt 1 bên cơ thể. Bạn có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người bệnh đưa cả hai cánh tay lên trên không và giữ lại một lúc. Nếu nhận thấy một cánh tay giơ thấp hơn (không có sức lực) so với cánh tay còn lại thì đó có thể là dấu hiệu đột quỵ.
  • S – Speech (Lời nói): Bệnh nhân đột quỵ có thể gặp nhiều vấn đề khi nói chuyện như khó nói, phát âm không rõ, nói ngọng, nói dính chữ hoặc không hiểu lời người khác nói. Bạn hãy yêu cầu người bệnh lặp lại một câu đơn giản xem có được không, đồng thời lắng nghe xem giọng nói của họ có khó nghe, không rõ ràng hay khó hiểu không.
  • T – Time (Thời gian): Vì thời gian cấp cứu đột quỵ rất quý báu nên nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào ở trên, bạn cần gọi điện ngay đến 115.

Ngoài ra, một số dấu hiệu và triệu chứng khác của đột quỵ (thường xảy ra đột ngột) bao gồm:

  • Yếu hay tê một bên cơ thể, kể cả ở chân
  • Nhìn mờ, nhòe hoặc mất thị lực, thường xảy ra ở một mắt
  • Đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân
  • Chóng mặt, mất thăng bằng, đi đứng không vững hoặc đột nhiên té ngã, mất khả năng phối hợp tay chân.

Cách sơ cứu người bị đột quỵ tại nhà

Cách sơ cứu đột quỵ tại nhà
Việc sơ cứu đột quỵ tại nhà cần phải nhanh và đúng.

Nếu chẳng may phát hiện người nhà có dấu hiệu đột quỵ như trên, bạn cần gọi điện ngay cho 115, đồng thời có thể tiến hành các bước sơ cứu đột quỵ tại nhà sau đây trong lúc chờ xe cấp cứu đến. Bạn cần:

  • Đỡ hoặc dìu bệnh nhân trong trường hợp mất thăng bằng để tránh té ngã, chấn thương
  • Để bệnh nhân nằm ở nơi an toàn, thoáng mát
  • Ghi lại thời gian nhận thấy người bệnh bắt đầu trải qua cơn đột quỵ
  • Đánh giá tình trạng của người bệnh để thực hiện hồi sức tim phổi nếu họ không còn thở hoặc nới lỏng quần áo nếu họ khó thở
  • Nếu bệnh nhân bị nôn thì bạn cần móc hết đàm, nhớt trong miệng họ để tránh gây ngạt
  • Kiểm tra đường huyết để loại trừ nguyên nhân bị hạ đường huyết
  • Mang theo những loại thuốc mà người bệnh đang dùng để bác sĩ biết được tiền sử bệnh
  • Quan sát người bệnh liên tục để xem tình trạng bệnh có gì thay đổi không, đồng thời ghi lại các triệu chứng mà họ gặp phải để thông báo với các nhân viên y tế
  • Giữ cho người bệnh tỉnh táo bằng cách nói chuyện và trấn an họ

Những lưu ý khi sơ cứu người bị đột quỵ

Trong lúc sơ cứu người đột quỵ, có những điều bạn cần lưu ý để đảm bảo không khiến tình trạng người bệnh tệ hơn.

Bạn nên:

  • Đỡ người bệnh nằm xuống, nghiêng một bên với phần đầu được nâng lên nhẹ để thúc đẩy lưu thông máu.
  • Nếu người bệnh nôn mửa, hãy để họ nằm nghiêng 45º, lưu ý dùng tay sạch để móc đàm, nhớt trong miệng 
  • Nới lỏng quần áo của người bệnh để họ dễ thở hơn, nhất là ở bên tay, chân bị tê yếu.
  • Nếu bệnh nhân còn tỉnh, hãy hỏi về thông tin của họ, đặc biệt là tiền sử bệnh để cung cấp thông tin cho nhân viên y tế.
  • Kiểm tra mạch và nhịp thở khi thấy người bệnh bất tỉnh. Nếu không có mạch, hãy tiến hành hồi sức tim phổi ngay.
  • Đắp chăn cho người bệnh nếu họ lạnh

Bạn không nên:

  • Để nhiều người tụ tập đông đúc xung quanh người bệnh
  • Tự ý đưa cho người bệnh bất kỳ loại thuốc nào hay thực hiện các phương pháp dân gian như xoa dầu nóng, cạo gió, dùng kim đâm đầu ngón tay… để chữa đột quỵ
  • Để người bệnh ngủ hoặc ngừng nói chuyện với bạn
  • Đưa bất kỳ đồ ăn, thức uống nào cho người bệnh vì các cơ có thể khó kiểm soát
  • Tự chở người bị đột quỵ đến phòng cấp cứu

Việc chứng kiến một người bị đột quỵ có thể khiến bạn hoảng sợ và không biết làm gì. Hy vọng rằng, sau khi tìm hiểu về các dấu hiệu và cách sơ cứu đột quỵ trong bài viết này, bạn sẽ bình tĩnh hơn và biết cách giúp đỡ người bệnh trong những giây phút “thập tử nhất sinh” ấy.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Bệnh về hệ thần kinh

"Điểm mặt" các triệu chứng bệnh thần kinh ngoại biên

Nguyên nhân đau thần kinh tọa và các yếu tố nguy cơ Nguyên nhân đau thần kinh tọa và các yếu tố nguy cơ
Bệnh về hệ thần kinh

Nguyên nhân đau thần kinh tọa và các yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân bệnh đa xơ cứng và các yếu tố nguy cơ Nguyên nhân bệnh đa xơ cứng và các yếu tố nguy cơ
Bệnh về hệ thần kinh

Nguyên nhân bệnh đa xơ cứng và các yếu tố nguy cơ

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK