Các bệnh lý khác
Các bệnh lý khác

Những điều cần biết về sỏi mật

Sỏi mật có thể nằm trong túi mật hoặc đường dẫn mật. Trong nhiều trường hợp, các viên sỏi này có khả năng gây tắc nghẽn đường mật và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-01-17
Cập nhật ngày 2023-04-26
Nội dung chính
Bệnh sỏi mật là gì?Các loại sỏi mậtTriệu chứng sỏi mậtNguyên nhân gây sỏi mậtYếu tố làm tăng nguy cơ hình thành sỏi trong đường mậtSỏi mật có nguy hiểm không?Phương pháp chẩn đoán sỏi mậtPhương pháp điều trị sỏi mậtCách phòng ngừa sỏi mậtCâu hỏi thường gặp về sỏi mật
Những điều cần biết về sỏi mật

Sỏi mật là một trong những bệnh lý đường mật thường gặp ở tuổi trung niên nhưng đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Ở Việt Nam, tỷ lệ bệnh sỏi mật còn rất cao, chủ yếu ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, tỷ lệ sỏi mật ở thành thị cũng đang tăng dần do liên quan đến chế độ ăn uống thiếu khoa học. 

Hãy cùng Bảo hiểm trực tuyến Bowtie tìm hiểu kỹ hơn về căn bệnh này qua bài viết sau đây để biết cách phòng ngừa, nhận biết sớm và điều trị kịp thời khi cần nhé!

Bệnh sỏi mật là gì?

Sỏi mật được hình thành khi dịch mật lắng đọng lại tạo thành bùn hoặc sỏi ở trong đường mật. Khi sỏi nằm trong túi mật thì được gọi là sỏi túi mật. Nếu sỏi di chuyển đến ống dẫn mật thì được gọi là sỏi ống mật. Sỏi có thể gây tắc nghẽn đường dẫn mật, dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng ở ống mật, tụy hoặc gan.

Sỏi mật thường được tạo thành từ cholesterol hoặc bilirubin tích lũy dần ở đáy túi mật. Kích thước của chúng có thể nhỏ như hạt cát hoặc to như quả bóng gôn. Thực tế, những viên sỏi mật kích thước nhỏ có nhiều khả năng di chuyển và gây ra sự tắc nghẽn trong đường mật hơn sỏi lớn. Tình trạng tắc nghẽn do sỏi xảy ra sẽ tạo nên các cơn đau và viêm tại vị trí đó. Nếu không được điều trị, người bệnh có khả năng gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm.

Các loại sỏi mật

Sỏi mật được chia thành 2 loại chính là:

  • Sỏi cholesterol: Đây là loại sỏi mật thường thấy nhất, có màu vàng. Thành phần chính của loại sỏi này là cholesterol không hòa tan.
  • Sỏi sắc tố mật: Loại sỏi sắc tố mật thường có màu nâu sẫm hoặc đen, hình thành khi dịch mật chứa quá nhiều sắc tố mật bilirubin.

Triệu chứng sỏi mật

Triệu chứng sỏi mật ở mỗi người sẽ khác nhau, tùy vào vị trí hiện diện và kích thước của sỏi. Thông thường, khi kích thước viên sỏi tăng lên hoặc sỏi gây tắc nghẽn ống mật, các triệu chứng mới bắt đầu xuất hiện hoặc bùng phát. 

Sỏi nằm trong túi mật thường không gây ra triệu chứng gì. Tuy nhiên, nếu người bị sỏi túi mật nhận thấy các triệu chứng đau kéo dài ở mạn sườn phải, sốt cao, vàng da, nước tiểu vàng thì có nghĩa là bệnh đã gây ra biến chứng. Đối với trường hợp sỏi ống mật chủ, sỏi ống gan thì các triệu chứng sẽ xuất hiện rõ ràng hơn ngay từ ban đầu và dễ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc nhiễm trùng đường mật, viêm phúc mạc, hoại tử đường mật.

Các triệu chứng thường gặp ở người bị sỏi mật là:

  • Đau ở vùng hạ sườn phải
  • Đau ở giữa bụng, ngay dưới xương ức
  • Đau có thể lan lên đến giữa hai bả vai hoặc vai phải
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Sốt, ớn lạnh
  • Đầy hơi, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa
  • Không dung nạp thực phẩm chứa nhiều chất béo
  • Vàng da, vàng lòng trắng mắt, nước tiểu sẫm màu
  • Mắt trũng sâu

Cơn đau do sỏi mật có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ. Nếu nhận thấy các dấu hiệu và triệu chứng sỏi mật trở nên trầm trọng hơn, bạn phải đến cơ sở y tế ngay lập tức để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Triệu chứng sỏi mật
Cảm giác đau đột ngột ở hạ sườn phải có thể do sỏi mật gây ra.

Nguyên nhân gây sỏi mật

Nguyên nhân gây hình thành sỏi mật vẫn chưa được xác định rõ nhưng được cho là có liên quan đến:

  • Mật chứa quá nhiều cholesterol. Bình thường, dịch mật có chứa các thành phần (lecithin và muối mật) giúp hòa tan lượng cholesterol do gan bài tiết ra. Tuy nhiên, nếu hàm lượng cholesterol trong cơ thể quá cao sẽ khiến cho gan đào thải hợp chất này vào mật nhiều hơn mức độ có thể hòa tan của dịch mật. Lượng cholesterol dư thừa có khả năng lắng đọng và tạo thành tinh thể trong đường mật.
  • Mật chứa quá nhiều bilirubin. Bilirubin là một sản phẩm được tạo ra từ quá trình phá vỡ các tế bào hồng cầu. Một số bệnh lý hoặc vấn đề sức khỏe như xơ gan, nhiễm trùng đường mật, rối loạn máu… có thể khiến gan tạo ra quá nhiều bilirubin và dẫn đến tích tụ trong mật. Lượng bilirubin dư thừa sẽ góp phần tạo nên sỏi mật.
  • Túi mật không được làm rỗng hoàn toàn. Nếu túi mật không được làm rỗng hoàn toàn, dịch mật còn ứ đọng bên trong có thể trở nên cô đặc và gây hình thành sỏi mật.

Yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành sỏi trong đường mật

Nói chung, sỏi mật được hình thành theo cơ chế phức tạp, liên quan chủ yếu đến quá trình chuyển hóa. Bên cạnh đó, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi trong đường mật, bao gồm:

  • Là phụ nữ
  • Trên 40 tuổi
  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Lối sống thụ động
  • Mang thai
  • Chế độ ăn nhiều chất béo, nhiều cholesterol, ít chất xơ
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh sỏi mật
  • Bị đái tháo đường
  • Mắc phải một số rối loạn máu như thiếu máu hồng cầu hình liềm, bệnh bạch cầu (leukemia)
  • Giảm cân nhanh trong thời gian ngắn
  • Sử dụng các thuốc có chứa estrogen như thuốc tránh thai đường uống hoặc liệu pháp hormone
  • Mắc bệnh gan

Hai nội tiết tố có ảnh hưởng đến nguy cơ hình thành sỏi mật là estrogen (có khả năng làm tăng cholesterol) và progesterone (làm chậm quá trình co bóp túi mật). Cả hai hormone này đều đặc biệt tăng cao trong những giai đoạn nhất định ở phụ nữ như lúc có kinh nguyệt và mang thai. Ngoài ra, nữ giới thường dễ tăng và giảm lượng mỡ trong cơ thể, ảnh hưởng đến lượng cholesterol được bài tiết vào mật. Do đó, phụ nữ thường có nguy cơ cao bị sỏi mật hơn nam giới.

Yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành sỏi mật
Thừa cân, béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ gây sỏi mật.

Sỏi mật có nguy hiểm không?

Sỏi mật có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến túi mật và gan. Người bệnh có khả năng gặp phải biến chứng cấp tính hoặc mạn tính nếu không thăm khám và điều trị thích hợp. 

Biến chứng cấp tính của sỏi mật bao gồm:

  • Tắc nghẽn ống mật chủ và ống tủy
  • Thấm mật phúc mạc và viêm phúc mạc mật
  • Chảy máu đường mật
  • Viêm tụy cấp do sỏi
  • Viêm mủ đường mật
  • Áp xe gan mật
  • Sốc nhiễm khuẩn đường mật

Các biến chứng mạn tính xảy ra dần theo thời gian ở người bị sỏi mật gồm:

  • Xơ gan mật
  • Ung thư đường mật, ung thư túi mật

Phương pháp chẩn đoán sỏi mật

Các trường hợp sỏi mật chưa biểu hiện triệu chứng thường được phát hiện tình cờ khi làm xét nghiệm kiểm tra các vấn đề sức khỏe khác. Nếu bạn có những dấu hiệu nghi ngờ bị sỏi mật, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số phương pháp, xét nghiệm để đưa ra chẩn đoán, bao gồm:

  • Xét nghiệm máu
  • Siêu âm ổ bụng
  • Siêu âm qua nội soi
  • Các xét nghiệm hình ảnh khác như chụp túi mật, xạ hình gan mật (HIDA), chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ mật tụy (MRCP)…
  • Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP)

Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp chẩn đoán phù hợp nhất để xác định được vị trí, kích thước viên sỏi và đưa ra cách điều trị hợp lý.

Phương pháp chẩn đoán sỏi mật
Siêu âm ổ bụng là cách thường dùng trong chẩn đoán sỏi mật.

Phương pháp điều trị sỏi mật

Phương thức điều trị sỏi mật cụ thể sẽ được bác sĩ đưa ra sau khi đánh giá nhiều yếu tố, bao gồm:

  • Độ tuổi, tình hình sức khỏe tổng thể, tiền sử bệnh của bệnh nhân
  • Mức độ nghiêm trọng của bệnh
  • Khả năng đáp ứng điều trị với một số loại thuốc, thủ thuật hoặc liệu pháp y tế của bệnh nhân
  • Mong muốn của người bệnh

Nếu sỏi mật không gây ra bất kỳ triệu chứng gì, người bệnh thường chưa cần điều trị y khoa. Ngược lại, khi sỏi gây ra cơn đau ở vùng bụng kéo dài dai dẳng, âm ỉ hoặc dẫn đến biến chứng như vàng da, viêm tụy cấp thì phải điều trị nhanh chóng. Các lựa chọn trong điều trị sỏi mật gồm:

  • Cắt bỏ túi mật: Bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân phẫu thuật cắt bỏ túi mật vì sỏi mật có xu hướng tái phát thường xuyên dù đã điều trị. Khi túi mật bị cắt bỏ, dịch mật sẽ đi thẳng từ gan đến ruột non mà không được dự trữ trong túi mật.
  • Liệu pháp hòa tan sỏi đường uống: Một số thuốc chứa thành phần giống axit mật có thể được chỉ định cho bệnh nhân để giúp hòa tan sỏi.
  • Tán sỏi qua da bằng sóng xung kích (ESWL): Phương pháp này sử dụng sóng xung kích để phá vỡ sỏi thành nhiều mảnh nhỏ, giúp sỏi được đào thải qua ống mật mà không gây tắc nghẽn.

Việc điều trị sỏi túi mật thường dễ dàng hơn so với sỏi trong ống dẫn mật, nhất là ở đoạn đường mật nằm trong gan vì có cấu tạo gấp khúc và hẹp nên khó loại bỏ sỏi hoàn toàn. Phương pháp tán sỏi qua da bằng sóng xung kích chủ yếu sử dụng cho trường hợp sỏi túi mật vì sỏi thường cứng và dễ phá vỡ hơn. Đối với sỏi đường dẫn mật thì phương pháp điều trị thông thường là phẫu thuật để loại bỏ sỏi ra ngoài cơ thể.

Cách phòng ngừa sỏi mật

Bạn có thể giảm thiểu nguy cơ bị sỏi mật bằng cách:

  • Không bỏ bữa: Hãy cố gắng xây dựng thói quen ăn uống đầy đủ, đúng bữa mỗi ngày. Bỏ bữa hoặc nhịn ăn có thể làm tăng khả năng hình thành sỏi mật.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh, giảm cân từ từ: Bạn nên cố gắng duy trì cân nặng khỏe mạnh, không để thừa cân hoặc béo phì. Nếu phải giảm cân, hãy đặt mục tiêu hợp lý, thường khoảng 0,5 – 1kg trong 1 tuần. Giảm cân nhanh chóng cũng khiến nguy cơ bị sỏi mật tăng lên.
  • Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ: Hãy bổ sung thêm trái cây, rau củ, ngũ cốc… giàu chất xơ vào chế độ ăn uống. Đồng thời, bạn nên hạn chế đồ chiên rán, thức ăn nhanh, thịt đỏ.

Câu hỏi thường gặp về sỏi mật

Vị trí đau sỏi mật là ở đâu?

Cơn đau do sỏi mật gây ra thường xuất hiện ở phía bụng trên, bên phải, dưới lồng ngực, ngay vị trí của túi mật. Tuy nhiên, một số người chỉ cảm thấy đau chung chung ở vùng bụng. Đôi khi cơn đau lan đến các bộ phận khác, thường là cánh tay hoặc bả vai bên phải. Cơn đau ban đầu ở mức độ nhẹ, sau đó tăng dần cường độ trong khoảng 1 tiếng đầu tiên trước khi thuyên giảm dần.

Người bệnh sỏi mật kiêng ăn gì?

Một số thực phẩm có khả năng làm tăng kích thước sỏi và ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa. Vậy nên, người bệnh sỏi mật cần kiêng ăn một số nhóm thực phẩm như sau:

  • Thịt đỏ và nội tạng động vật: Đây là các loại thực phẩm có hàm lượng chất béo cao, làm tăng lượng cholesterol xấu trong cơ thể. Lượng cholesterol tăng lên làm tăng kích thước sỏi mật và cản trở quá trình điều trị.
  • Lòng đỏ trứng: Hàm lượng cholesterol trong lòng đỏ trứng cũng khá cao và có thể ảnh hưởng đến kích thước của sỏi mật. 
  • Đường và carbohydrate tinh chế: Hàm lượng đường cao trong chế độ ăn có thể làm tăng sản sinh ra các chất độc hại ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa của cơ thể, tăng nguy cơ phát triển sỏi mật.
  • Sữa và sản phẩm từ sữa: Sữa béo hay sữa nguyên kem có thể cản trở quá trình tiêu hóa, làm tăng cholesterol trong dịch mật, ảnh hưởng đến kích thước sỏi.
  • Thực phẩm chiên xào hoặc chế biến sẵn: Việc tránh tiêu thụ các loại thực phẩm chiên xào, chế biến sẵn giúp quá trình điều trị sỏi mật hiệu quả hơn. Người bệnh cần hạn chế ăn các loại thịt chiên, thịt xông khói, đồ hộp, xúc xích… Với các món rau, bạn nên ưu tiên chế biến theo cách luộc hoặc hấp thay vì xào.
  • Rượu, bia và thuốc lá: Thường xuyên uống rượu bia hay hút thuốc lá nhiều cũng tác động đến quá trình hình thành và phát triển của sỏi mật. Chất độc hại có trong thức uống có cồn và thuốc lá làm mất cân bằng các thành phần có trong dịch mật bình thường.

Người bệnh sỏi mật nhìn chung có thể chung sống với sỏi bình thường nếu chúng không gây ra triệu chứng gì. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 2% người bệnh sỏi mật có triệu chứng sẽ phát triển các biến chứng như viêm cấp tính và nhiễm trùng. Vì vậy, nếu nhận thấy các dấu hiệu sỏi mật, bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và có hướng điều trị khi cần.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Cập nhật phác đồ điều trị cúm A mới nhất 2023 của Bộ Y tế Cập nhật phác đồ điều trị cúm A mới nhất 2023 của Bộ Y tế
Các bệnh lý khác

Cập nhật phác đồ điều trị cúm A mới nhất 2023 của Bộ Y tế

Những điều cần biết về bệnh hen suyễn (hen phế quản) Những điều cần biết về bệnh hen suyễn (hen phế quản)
Các bệnh lý khác

Những điều cần biết về bệnh hen suyễn (hen phế quản)

7 cách phòng tránh bệnh giang mai nên áp dụng ngay hôm nay 7 cách phòng tránh bệnh giang mai nên áp dụng ngay hôm nay
Các bệnh lý khác

7 cách phòng tránh bệnh giang mai nên áp dụng ngay hôm nay

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK