Bệnh tim mạch
Bệnh tim mạch

Đừng xem thường bệnh suy giãn tĩnh mạch

Theo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, có khoảng 1/4 số người trưởng thành ở Việt Nam bị suy giãn tĩnh mạch do nhiều yếu tố. Bệnh khiến thành tĩnh mạch trở nên suy yếu và giãn ra. Nếu không điều trị, suy giãn tĩnh mạch có thể nặng dần theo thời gian.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2022-12-13
Cập nhật ngày 2023-05-16
Nội dung chính
Suy giãn tĩnh mạch là gì?Triệu chứng suy giãn tĩnh mạchNguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạchAi có nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch?Phương pháp chẩn đoán suy giãn tĩnh mạchPhương pháp điều trị giãn tĩnh mạchCách phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch là gì?Câu hỏi thường gặp về suy giãn tĩnh mạch
Đừng xem thường bệnh suy giãn tĩnh mạch

Suy giãn tĩnh mạch thường gặp ở nữ giới, nhất là những người thường xuyên đi giày cao gót hoặc phải đứng trong thời gian dài. Tình trạng này có thể dễ dàng nhận biết trên da, phần lớn xuất hiện ở chân. Để tìm hiểu rõ hơn về suy giãn tĩnh mạch, mời bạn cùng Bảo hiểm sức khỏe Bowtie đọc tiếp bài viết sau đây. 

Suy giãn tĩnh mạch là gì?

Tĩnh mạch là mạch máu có vai trò mang máu nghèo oxy từ các cơ quan về lại tim. Với các tĩnh mạch ở dưới tim (như chân, bàn chân), máu được bơm lên tim mà không chảy ngược trở lại theo trọng lực là nhờ vào hoạt động của van một chiều trong tĩnh mạch. Nếu những van này không còn hoạt động như bình thường thì sẽ khiến máu đọng lại ở các tĩnh mạch nông (tĩnh mạch nằm sát da có thể nhìn thấy bằng mắt). Theo thời gian, tĩnh mạch bị ảnh hưởng sẽ căng phồng do máu ứ đọng bên trong. Chúng thường xoắn lại, u lên và có màu xanh đậm hoặc tím đậm. Tình trạng đó được gọi là suy giãn tĩnh mạch.

Bất kỳ tĩnh mạch nào cũng có khả năng bị suy giãn nhưng thường gặp nhất là ở chân, bàn chân. Phần lớn trường hợp suy giãn tĩnh mạch chỉ gây mất thẩm mỹ chứ không phải là một tình trạng nguy hiểm. Tuy nhiên, một số người có thể cảm thấy khó chịu và gặp phải nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn như hình thành cục máu đông.

Đọc thêm

Triệu chứng suy giãn tĩnh mạch

Dấu hiệu dễ nhận biết nhất của suy giãn tĩnh mạch là nhìn thấy đường tĩnh mạch phình lên, xoắn với nhau, có màu xanh hoặc tím ở ngay dưới bề mặt da. Bên cạnh đó, một số người có những triệu chứng khác khi bị giãn tĩnh mạch, bao gồm:

  • Cảm giác nhức, đau nhói hoặc nóng rát ở chân
  • Cảm thấy nặng nề ở chân, chuột rút hoặc chân không yên
  • Sưng mắt cá chân
  • Vùng da bên ngoài các tĩnh mạch sẫm màu hơn
  • Phát ban ngứa

Các triệu chứng ít phổ biến hơn gồm loét tĩnh mạch trên da, tạo cục máu đông, chảy máu ở tĩnh mạch bị suy giãn… Các triệu chứng suy giãn tĩnh mạch thường tệ hơn vào cuối ngày.

Triệu chứng suy giãn tĩnh mạch
Tĩnh mạch bị sưng, giãn và xoắn lại, có màu xanh hoặc tím là dấu hiệu nhận biết suy giãn tĩnh mạch.

Nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch

Suy giãn tĩnh mạch xảy ra khi thành tĩnh mạch yếu đi và áp lực máu trong mạch (huyết áp) tăng lên khiến cho các tĩnh mạch bị giãn, phình to ra. Lúc ấy, các van một chiều không còn hoạt động được như bình thường, làm cho máu chảy ngược lại hoặc bị ứ đọng trong tĩnh mạch. Kết quả là tĩnh mạch bị sưng, phồng lên và xoắn lại với nhau.

Thành mạch và van trong tĩnh mạch có thể bị suy yếu vì nhiều lý do, chẳng hạn như:

  • Nội tiết tố
  • Quá trình lão hóa
  • Thừa cân
  • Mang thai
  • Mặc quần áo bó sát
  • Tăng áp lực trong tĩnh mạch do đứng hoặc ngồi trong thời gian dài

Ai có nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch?

Suy giãn tĩnh mạch thường có tính gia đình (di truyền). Ngoài ra, một số đối tượng sau đây có nguy cơ mắc bệnh cao hơn:

  • Người lớn tuổi
  • Nữ giới
  • Người thừa cân hoặc béo phì
  • Phụ nữ mang thai
  • Người ít vận động 
  • Người từng bị chấn thương chân hoặc cục máu đông
  • Người hút thuốc
  • Người đang uống thuốc tránh thai hoặc dùng hormone thay thế
  • Người làm các công việc thường xuyên phải đứng hoặc ngồi nhiều
  • Người gặp phải các vấn đề sức khỏe như táo bón, khối u…

Phương pháp chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch

Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh suy giãn tĩnh mạch thông qua việc thăm hỏi triệu chứng bệnh, khám và quan sát tình trạng giãn tĩnh mạch ở ngay dưới bề mặt da. Bác sĩ sẽ sờ vào vùng tĩnh mạch bị giãn để kiểm tra chúng trong lúc bệnh nhân ngồi và đứng. Bệnh nhân còn có thể được yêu cầu thực hiện siêu âm Doppler tĩnh mạch để giúp bác sĩ kiểm tra lưu lượng máu và cấu trúc của các tĩnh mạch.

Phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch

Phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch
Sử dụng vớ nén y khoa có thể giúp cải thiện tình trạng suy giãn tĩnh mạch.

Việc điều trị có thể không cần thiết nếu như bệnh nhân không có bất kỳ triệu chứng nào gây khó chịu. Tuy nhiên, tình trạng giãn tĩnh mạch thường trở nên nặng hơn theo thời gian.

Các phương pháp điều trị sau đây có thể giúp hạn chế tình trạng tĩnh mạch giãn ra thêm và giảm nhẹ cảm giác khó chịu cho bệnh nhân:

  • Nâng cao chân: Để tăng lưu lượng máu và giảm bớt áp lực trong tĩnh mạch chân, bệnh nhân được khuyến khích nên nâng chân lên cao hơn thắt lưng nhiều lần trong ngày.
  • Mang vớ nén đàn hồi. Vớ nén y khoa sẽ ép chặt và giúp các tĩnh mạch vận chuyển máu hiệu quả hơn, đồng thời làm giảm bớt cảm giác khó chịu cho người bệnh.
  • Tiêm xơ: Bác sĩ sẽ tiêm một dung dịch vào trong tĩnh mạch của bệnh nhân để làm cho các thành tĩnh mạch dính lại với nhau. Cuối cùng, tĩnh mạch trở nên xơ hóa và mờ dần đi.
  • Liệu pháp laser: Bác sĩ sử dụng chùm tia laser chiếu vào các tĩnh mạch bị suy giãn. Các tĩnh mạch này sau đó sẽ mờ dần và biến mất.
  • Laser hay sóng cao tần nội mạch: Một ống dẫn năng lượng laser hoặc sóng cao tần sẽ được luồn vào trong lòng tĩnh mạch bị suy giãn. Sau đó, đầu dây tạo ra năng lượng nhiệt để làm xơ hóa nội mạc, khiến lòng tĩnh mạch xẹp xuống và dính lại.
  • Stripping: Bác sĩ sẽ tiến hành lột bỏ các tĩnh mạch nông bị giãn bằng một dụng cụ chuyên dùng gọi là stripper.
  • Phẫu thuật tĩnh mạch: Bệnh nhân có thể cần phải thực hiện phẫu thuật để loại bỏ các tĩnh mạch bị giãn.

Để lựa chọn cách điều trị phù hợp cho mỗi người bệnh, bác sĩ sẽ dựa trên các yếu tố:

  • Tuổi tác, sức khỏe tổng thể và tiền sử bệnh của bệnh nhân
  • Mức độ suy giãn tĩnh mạch
  • Các dấu hiệu và triệu chứng
  • Khả năng chịu đựng với các phương pháp điều trị (thuốc, phẫu thuật hay liệu pháp cụ thể)
  • Mong muốn và sở thích của người bệnh

Cách phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch là gì?

Một số cách đơn giản sau có thể giúp làm giảm nguy cơ phát triển bệnh suy giãn tĩnh mạch:

  • Hạn chế đứng trong thời gian dài
  • Kiểm soát cân nặng
  • Sống năng động hơn
  • Thay đổi tư thế khi ngồi hoặc đứng thường xuyên
  • Hạn chế đi giày cao gót trong thời gian dài
  • Nâng chân lên cao trong lúc nghỉ ngơi, ngồi hoặc nằm
  • Không ngồi bắt chéo chân
  • Bỏ hút thuốc
  • Mặc đồ thoải mái không quá bó sát người

Bài viết liên quan:

Câu hỏi thường gặp về suy giãn tĩnh mạch

Suy giãn tĩnh mạch có nguy hiểm không?

Suy giãn tĩnh mạch không phải là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nhưng vẫn có khả năng gây ra biến chứng dù hiếm gặp, bao gồm:

  • Loét trên da: Trên vùng da xung quanh nơi tĩnh mạch bị giãn, nhất là vùng mắt cá chân, có thể hình thành các vết loét gây đau.
  • Cục máu đông (huyết khối): Các tĩnh mạch nằm sâu bên trong có thể bị giãn ra, gây đau chân và sưng. Lúc này, bạn nên tìm gặp bác sĩ ngay vì đó đôi khi là dấu hiệu cảnh báo sự hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch (huyết khối tĩnh mạch sâu). Nguy hiểm hơn, cục máu đông có thể di chuyển và gây thuyên tắc phổi, có khả năng đe dọa đến tính mạng.
  • Xuất huyết: Một số trường hợp, tĩnh mạch gần bề mặt da có thể bị vỡ ra và gây xuất huyết.
Suy giãn tĩnh mạch có chữa được không?

Hiện nay, chưa có cách chữa trị suy giãn tĩnh mạch hoàn toàn nhưng một số phương pháp điều trị có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng và ngăn tình trạng suy giãn tĩnh mạch trở nên tệ hơn. Sau khi điều trị, tình trạng này vẫn có khả năng tái phát, thường xảy ra ở phụ nữ mang thai. Những người béo phì hoặc có lối sống ít vận động cũng có khả năng cao bị suy giãn tĩnh mạch tái phát.

Trường hợp bạn đã trải qua phẫu thuật để điều trị suy giãn tĩnh mạch thì cần phải kiểm tra lại định kỳ theo lời dặn của bác sĩ. Khoảng 20% những người từng phẫu thuật sẽ phát triển các tình trạng suy giãn tĩnh mạch mới trong tương lai.

Nhìn chung, suy giãn tĩnh mạch là một tình trạng khá phổ biến và không quá nguy hiểm đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu bạn có những triệu chứng khó chịu, bất thường hoặc cảm thấy tình trạng giãn tĩnh mạch gây mất thẩm mỹ thì hãy tìm gặp bác sĩ để được điều trị.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Những điều cần biết về bệnh hở van tim 2 lá Những điều cần biết về bệnh hở van tim 2 lá
Bệnh tim mạch

Những điều cần biết về bệnh hở van tim 2 lá

Suy giãn tĩnh mạch chân (Suy giãn tĩnh mạch chi dưới) Suy giãn tĩnh mạch chân (Suy giãn tĩnh mạch chi dưới)
Bệnh tim mạch

Suy giãn tĩnh mạch chân (Suy giãn tĩnh mạch chi dưới)

Xơ vữa động mạch: Xơ vữa động mạch:
Bệnh tim mạch

Xơ vữa động mạch: "Sát thủ" dẫn đến bệnh tim mạch, đột quỵ

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK