Bệnh thận - tiết niệu
Bệnh thận - tiết niệu

Tiểu không tự chủ ở nữ giới: Tưởng hiếm nhưng rất phổ biến

Có những vấn đề sức khỏe tưởng hiếm gặp nhưng lại rất phổ biến ở nữ giới, trong đó có tiểu không tự chủ. Tiểu không tự chủ ở nữ giới xảy ra do nhiều nguyên nhân nhưng nhìn chung có thể gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2022-12-07
Cập nhật ngày 2023-05-15
Nội dung chính
Tiểu không tự chủ là gì?Các loại tiểu không tự chủ thường gặp ở phụ nữ Dấu hiệu tiểu không tự chủ ở nữ giớiNguyên nhân gây tiểu không tự chủ ở phụ nữPhương pháp chẩn đoán tiểu không kiểm soát ở nữPhương pháp điều trị tiểu không tự chủ ở phụ nữCách phòng ngừa tiểu không tự chủ ở nữ giới
Tiểu không tự chủ ở nữ giới: Tưởng hiếm nhưng rất phổ biến

Vậy tiểu không tự chủ là gì? Vì sao nữ giới lại gặp phải tình trạng này? Làm thế nào để chẩn đoán và điều trị tiểu không kiểm soát ở phụ nữ? Bài viết dưới đây của Website Bowtie sẽ cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin từ A – Z về tình trạng này. Cùng theo dõi nhé.

Tiểu không tự chủ là gì?

Tiểu không tự chủ (UI) là tình trạng cơ thể mất kiểm soát bàng quang, dẫn đến không thể ngăn cản dòng nước tiểu rò rỉ ra bên ngoài. Tình trạng rò rỉ nước tiểu thường không kiểm soát được và có thể tác động tiêu cực đến cuộc sống của bệnh nhân. Theo nhiều thống kê, cứ 2 phụ nữ trên 70 tuổi thì có 1 người mắc tiểu không tự chủ.

Thông thường, nước tiểu được tạo ra bởi thận và được lưu trữ trong bàng quang. Bàng quang có các cơ thắt chặt khi bạn cần đi tiểu. Khi các cơ bàng quang co lại, nước tiểu bị đẩy ra khỏi bàng quang qua một ống gọi là niệu đạo. Theo đó, cơ vòng xung quanh niệu đạo giãn ra và lúc này nước tiểu được đưa ra khỏi cơ thể. Một số vấn đề xảy ra với hệ thống này có thể gây ảnh hưởng đến quá trình loại thải nước tiểu và khiến nước tiểu rò rỉ ra ngoài không kiểm soát, gây nên triệu chứng tiểu không tự chủ. 

Đọc thêm

    Warning: Illegal string offset 'url' in /bitnami/wordpress/wp-content/themes/bowtie-blog-vietnam/template-parts/post--acf-component.php on line 99

    Notice: Uninitialized string offset: 0 in /bitnami/wordpress/wp-content/themes/bowtie-blog-vietnam/template-parts/post--acf-component.php on line 99
  • Tiểu không tự chủ: Tình trạng "khó nói" của nhiều người

Các loại tiểu không tự chủ thường gặp ở phụ nữ

Tiểu không tự chủ được chia thành nhiều loại khác nhau dựa vào đặc điểm, nguyên nhân và tác nhân gây rò rỉ nước tiểu. Một số dạng tiểu không kiểm soát thường gặp ở nữ giới:

  • Tiểu không tự chủ do căng thẳng: Ở phụ nữ, tiểu không tự chủ do căng thẳng là một dạng khá phổ biến. Bệnh xảy ra do một số tình trạng làm tăng áp lực lên bàng quang như ho, hắt hơi, cười, nâng vật nặng… và khiến nước tiểu bị rò rỉ. 
  • Tiểu gấp không kiểm soát: Tiểu gấp không kiểm soát là tình trạng muốn đi tiểu đột ngột, dữ dội và không có khả năng nhịn đủ lâu để kịp đến nhà vệ sinh, từ đó dẫn đến tình trạng tiểu ra quần.
  • Tiểu không tự chủ do mất chức năng: Một số vấn đề về thể chất và tinh thần có thể khiến bệnh nhân không kịp đi nhà vệ sinh. Chẳng hạn như bệnh nhân viêm khớp, chấn thương gặp khó khăn trong việc cởi cúc quần hoặc bệnh nhân Alzheimer không thể nhận thức được việc họ cần đi tiểu.
  • Són tiểu tràn: Hiện tượng rò rỉ xảy ra khi lượng nước tiểu được tạo ra nhiều, vượt quá khả năng chứa của bàng quang hoặc khi bàng quang không được làm rỗng hoàn toàn.

Dấu hiệu tiểu không tự chủ ở nữ giới

Tiểu không tự chủ ở nữ giới thường có thể được phát hiện sớm thông qua những dấu hiệu nhận biết dưới đây:

  • Cảm thấy cần phải đi tiểu gấp và không kịp chạy vào nhà vệ sinh để đi tiểu
  • Rò rỉ nước tiểu không kiểm soát khi vận động hoặc tập thể dục
  • Dễ rò rỉ nước tiểu khi quá căng thẳng hoặc sợ hãi
  • Són tiểu khi ho, hắt hơi hoặc cười lớn
  • Rò rỉ nước tiểu khi ngủ
  • Rò rỉ nước tiểu sau khi tiểu phẫu, phẫu thuật
  • Cảm giác ẩm ướt quần nhưng không thấy vệt nước tiểu rõ rệt

Nguyên nhân gây tiểu không tự chủ ở phụ nữ

Phụ nữ có nguy cơ mắc tiểu không tự chủ cao hơn nam giới do trải qua các giai đoạn đặc trưng như mang thai, sinh con và mãn kinh, cụ thể như sau:

Mang thai

Tình trạng tiểu không tự chủ có thể xảy ra thường xuyên khi mang thai. Sở dĩ như vậy là do thai nhi phát triển gây chèn ép bàng quang, khiến cơ quan này không thể chứa được nhiều nước như trước. Không những vậy, thai nhi cũng tạo nhiều áp lực và làm suy yếu các cơ sàn chậu, từ đó dẫn đến rò rỉ nước tiểu hoặc các vấn đề khi đi tiểu. Một nguyên nhân khác khiến phụ nữ dễ gặp phải tình trạng tiểu không tự chủ trong quá trình mang thai là do sự thay đổi hormone ở giai đoạn này.

Quá trình sinh con

Việc sinh thường có thể làm suy yếu các cơ sàn chậu, gây tổn thương dây thần kinh kiểm soát bàng quang hoặc mô hỗ trợ bàng quang. Lúc này, chị em rất khó kiểm soát và đôi lúc không thể đi tiểu tự chủ. 

Mãn kinh

Khi mãn kinh, cơ thể phụ nữ sản xuất ra ít estrogen hơn. Điều này có thể khiến các cơ sàn chậu bị suy yếu, đồng thời làm giảm chất lượng của mô trong niêm mạc bàng quang và niệu đạo, từ đó dẫn đến tiểu không tự chủ.

Các nguyên nhân khác

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng có thể gây tiểu không kiểm soát ở nữ giới:

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: Tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu có thể kích thích bàng quang, từ đó khiến bệnh nhân đi tiểu nhiều hơn và đôi khi là tiểu không tự chủ.
  • Táo bón: Trực tràng nằm gần và có nhiều dây thần kinh chung với bàng quang. Phân cứng và nén chặt trong trực tràng có thể kích thích các dây thần kinh này hoạt động nhiều hơn, từ đó tăng tần suất đi tiểu. Ngoài ra, việc rặn nhiều khi bị táo bón cũng tạo áp lực lên bàng quang và cơ sàn chậu, dẫn đến rò rỉ nước tiểu.  
  • Tổn thương thần kinh: Các bệnh lý như đa xơ cứng, Parkinson, u não, chấn thương cột sống có thể cản trở tín hiệu thần kinh giúp kiểm soát bàng quang và khiến phụ nữ bị són tiểu, tiểu không tự chủ.
  • Phẫu thuật: Một số phẫu thuật có thể ảnh hưởng đến bàng quang và các cơ sàn chậu, góp phần dẫn đến tình trạng rò rỉ nước tiểu
  • Sử dụng thuốc: Tiểu không tự chủ có thể là tác dụng phụ của các loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm, thuốc giãn cơ… 
  • Chế độ ăn uống: Việc phụ nữ tiêu thụ nhiều gia vị, cà phê, nước có ga… có thể kích thích bàng quang và làm tăng lượng nước tiểu, từ đó khiến việc kiểm soát tiểu tiện trở nên khó khăn hơn.
  • Thừa cân, béo phì: Cân nặng dư thừa có thể gây áp lực lên bàng quang và các cơ sàn chậu, từ đó dẫn đến rò rỉ nước tiểu.
Nguyên nhân gây tiểu không tự chủ ở nữ giới
Tình trạng tiểu không tự chủ ở phụ nữ có thể liên quan đến quá trình mang thai và sinh con.

Phương pháp chẩn đoán tiểu không kiểm soát ở nữ

Khi phát hiện thấy các dấu hiệu của bệnh tiểu không tự chủ, nữ giới nên đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra và đưa ra những kết luận chính xác thông qua các phương pháp chẩn đoán sau:

  • Xét nghiệm nước tiểu: Mẫu nước tiểu của bệnh nhân sẽ được kiểm tra để tìm kiếm các dấu hiệu nhiễm trùng, vết máu hoặc các bất thường khác. 
  • Siêu âm: Phương pháp này giúp bác sĩ quan sát được hình ảnh của các cơ quan trong đường tiết niệu để tìm kiếm các dấu hiệu bất thường cũng như đánh giá khả năng làm rỗng của bàng quang. 
  • Kiểm tra chức năng bàng quang khi gắng sức: Trong quá trình kiểm tra, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân ho, chạy, nhảy để xem có tình trạng rò rỉ nước tiểu hay không.
  • Nội soi bàng quang: Nội soi giúp bác sĩ quan sát được rõ hơn các cấu trúc bên trong đường tiết niệu của bệnh nhân.

Phương pháp điều trị tiểu không tự chủ ở phụ nữ

Các phương pháp điều trị tiểu không tự chủ ở phụ nữ sẽ được bác sĩ chỉ định dựa trên nhiều yếu tố như tuổi tác, sức khỏe tổng thể của người bệnh, loại tiểu không tự chủ gặp phải, mức độ bệnh, khả năng đáp ứng với các phương pháp điều trị, kỳ vọng và sở thích của bệnh nhân…

Phương pháp điều trị tại nhà

Việc điều trị tiểu không tự chủ ở nữ giới thường bắt đầu bằng thay đổi lối sống kết hợp với các bài tập sàn chậu để cải thiện chức năng bàng quang:

  • Tập bài tập Kegel: Nếu bệnh nhân bị són tiểu khi gắng sức, các bài tập Kegel có thể giúp tăng cường sức mạnh của cơ sàn chậu và hỗ trợ kiểm soát việc tiểu tiện.
  • Kiểm soát bàng quang: Bệnh nhân được khuyến khích nên tập đi tiểu vào những thời điểm nhất định nhằm giảm tần suất đi vệ sinh mỗi ngày. 
  • Giảm cân: Với những người béo phì, hãy giảm cân để giảm áp lực lên bàng quang và các cơ lân cận. Theo đó, bệnh nhân nên xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất thường xuyên. 
  • Thay đổi thói quen ăn uống: Hãy hạn chế uống cà phê, rượu, bia… bởi đây là những thức uống có thể gây kích thích bàng quang.
  • Bỏ hút thuốc: Hút thuốc gây ra nhiều vấn đề ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, bao gồm tiểu không tự chủ và khiến cho tình trạng này trở nên tồi tệ hơn.
  • Trị táo bón: Vì táo bón có thể làm cho tình trạng tiểu không tự chủ diễn biến xấu hơn nên bệnh nhân cần tìm cách trị táo bón càng sớm càng tốt.
  • Sử dụng băng vệ sinh: Trường hợp tiểu không tự chủ mất kiểm soát có thể sử dụng băng vệ sinh lót dưới quần để thấm nước tiểu bị rò rỉ ngoài ý muốn.

Sử dụng thuốc

Một số loại thuốc có thể được sử dụng trong điều trị tiểu không tự chủ, bao gồm:

  • Thuốc kháng cholinergic: Nhóm thuốc này sẽ làm giảm tình trạng bàng quang hoạt động quá mức.
  • Mirabegron: Thuốc giúp thư giãn cơ bàng quang, tăng lượng nước tiểu mà bàng quang có thể chứa được và tăng lượng nước tiểu được đào thải ra ngoài mỗi lần. 
  • Estrogen tại chỗ: Sau khi mãn kinh, chị em có thể bôi kem, đặt vòng hoặc sử dụng miếng dán âm đạo có chứa estrogen để giúp tăng cường cơ, mô ở niệu đạo và vùng âm đạo. 

Kích thích thần kinh

Phương pháp điều trị này sử dụng các xung điện nhẹ để kích thích dây thần kinh trong bàng quang. Xung điện cũng có thể tăng cường sức mạnh của các cơ giúp kiểm soát bàng quang. 

Dùng thiết bị hỗ trợ

Một số thiết bị được thiết kế để điều trị tiểu không kiểm soát ở nữ giới như:

  • Thiết bị chèn niệu đạo: Một thiết bị có kích thước nhỏ, hình dạng khá giống tampon sẽ được đưa vào niệu đạo trước khi bệnh nhân tham gia các hoạt động thể chất để hạn chế tình trạng tiểu không tự chủ. Theo đó, thiết bị này sẽ hoạt động như một nút giúp bịt kín đường đi của nước tiểu để hạn chế tình trạng rò rỉ. Khi đi tiểu, bệnh nhân có thể tháo thiết bị này ra.
  • Pessary: Thiết bị này được nhét vào âm đạo để giúp nâng đỡ bàng quang, niệu đạo và ngăn rò rỉ nước tiểu. 

Phẫu thuật, thủ thuật khác

Khi các phương pháp khác không hiệu quả, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định phẫu thuật cho bệnh nhân. Phương pháp phẫu thuật sẽ được lựa chọn tùy theo tình trạng cũng như nguyên nhân gây tiểu không tự chủ.

Phương pháp điều trị tiểu không tự chủ ở nữ giới
Các bài tập Kegel sẽ giúp tăng cường sức mạnh của cơ sàn chậu và hỗ trợ kiểm soát việc tiểu tiện.

Cách phòng ngừa tiểu không tự chủ ở nữ giới

Tiểu không tự chủ ở nữ giới không phải lúc nào cũng phòng ngừa được. Tuy nhiên, chị em có thể áp dụng một số cách sau đây để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh:

  • Duy trì cân nặng hợp lý, tránh tình trạng tăng cân nhanh, đột ngột
  • Thực hiện các bài tập sàn chậu để làm giảm áp lực lên bàng quang
  • Tránh tiêu thụ các loại thực phẩm gây kích thích bàng quang, chẳng hạn như caffeine, rượu và thực phẩm có tính axit
  • Hạn chế tình trạng táo bón bằng cách ăn nhiều chất xơ
  • Không hút thuốc hoặc bỏ thuốc lá 

Trên đây là các thông tin cơ bản về tình trạng tiểu không tự chủ ở nữ giới. Dù không quá nguy hiểm nhưng bệnh có thể gây nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người mắc phải. Vì vậy, bạn hãy tạo thói quen sống lành mạnh và phòng ngừa bệnh ngay từ bây giờ nhé! 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Hẹp niệu đạo và những điều bạn chưa biết Hẹp niệu đạo và những điều bạn chưa biết
Bệnh thận - tiết niệu

Hẹp niệu đạo và những điều bạn chưa biết

Làm sao biết mình bị sỏi thận? Nhận biết ngay 9 dấu hiệu sỏi thận Làm sao biết mình bị sỏi thận? Nhận biết ngay 9 dấu hiệu sỏi thận
Bệnh thận - tiết niệu

Làm sao biết mình bị sỏi thận? Nhận biết ngay 9 dấu hiệu sỏi thận

Sỏi thận hình thành thế nào? Các nguyên nhân gây sỏi thận thường gặp Sỏi thận hình thành thế nào? Các nguyên nhân gây sỏi thận thường gặp
Bệnh thận - tiết niệu

Sỏi thận hình thành thế nào? Các nguyên nhân gây sỏi thận thường gặp

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK