Các bệnh lý khác
Các bệnh lý khác

Nhận biết 11 triệu chứng đái tháo đường type 2

Đái tháo đường type 2 (tiểu đường type 2) là bệnh lý gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc nhận biết các triệu chứng đái tháo đường type 2 giúp bạn phát hiện bệnh sớm, kiểm soát kịp thời để ngăn ngừa biến chứng.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2022-09-21
Cập nhật ngày 2023-04-26
Nội dung chính
1. Đi tiểu thường xuyên2. Khát nhiều3. Đói thường xuyên4. Sụt cân không rõ lý do5. Đau và tê chân6. Nhiễm trùng thường xuyên7. Giảm thị lực8. Vết thương chậm lành9. Ngứa da10. Tâm trạng thay đổi thất thường11. Mệt mỏi, suy nhược

Triệu chứng đái tháo đường type 2

Bệnh đái tháo đường có xu hướng phát triển từ từ theo thời gian nên rất khó phát hiện. Điều này dẫn đến việc điều trị chậm trễ, từ đó gây nhiều biến chứng đái tháo đường type 2. Trong bài viết dưới đây, Bowtie sẽ tổng hợp 11 triệu chứng của bệnh đái tháo đường type 2 để giúp bạn “nhận diện” bệnh dễ dàng hơn.

1. Đi tiểu thường xuyên

Người mắc đái tháo đường type 2 thường có lượng đường trong máu cao. Lúc này, thận sẽ hoạt động nhiều hơn để thải bỏ lượng đường dư thừa ra ngoài thông qua nước tiểu. Quá trình sản xuất nước tiểu tăng lên khiến bệnh nhân đi vệ sinh thường xuyên hơn. 

Nếu bạn đi vệ sinh nhiều lần trong ngày, đặc biệt phải thức dậy nhiều hơn 1 – 2 lần vào ban đêm để đi vệ sinh thì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo đái tháo đường type 2.

2. Khát nhiều

Tình trạng đi tiểu nhiều có thể gây mất nước, khiến bệnh nhân đái tháo đường type 2 bị khô miệng và tăng khát nước. Nếu bạn đã uống hơn 4 lít nước mỗi ngày mà vẫn cảm thấy khát, hãy đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán xác định đái tháo đường type 2 sớm nếu mắc bệnh nhé.

3. Đói thường xuyên

Đái tháo đường type 2 có thể xảy ra do tình trạng kháng insulin, nghĩa là cơ thể không sử dụng insulin hiệu quả để giúp glucose đi vào tế bào và tạo ra năng lượng. Nhằm bù đắp lại năng lượng thiếu hụt, tuyến tụy tăng sản xuất insulin. Quá trình này sẽ gửi thông tin đến não rằng cơ thể đang cần được bổ sung thức ăn. Vì vậy, người bệnh đái tháo đường type 2 thường thấy đói liên tục ngay cả khi vừa mới ăn xong.

4. Sụt cân không rõ lý do

Sụt cân không rõ nguyên nhân cũng là một trong các triệu chứng của bệnh đái tháo đường type 2 bạn cần lưu ý. Tình trạng này có thể xảy ra do các tế bào trong cơ thể không nhận đủ glucose. Ngoài ra, việc đi tiểu thường xuyên cũng góp phần gây sụt cân do nhiều nước bị bài tiết ra ngoài cơ thể.

5. Đau và tê chân

Lượng đường trong máu tăng cao, kéo dài có thể gây tổn thương các đầu dây thần kinh, đặc biệt là các dây thần kinh ngoại biên nằm xa tủy sống như ở tay và chân. Tình trạng trên có thể khiến bệnh nhân bị tê, ngứa ran hoặc đau ở tứ chi. Triệu chứng đái tháo đường type 2 này thường gặp ở những bệnh nhân đã mắc bệnh lâu năm.

Tê chân là triệu chứng đái tháo đường type 2
Tê chân là một trong các triệu chứng của bệnh đái tháo đường type 2.

6. Nhiễm trùng thường xuyên

Lượng đường trong máu cao tạo điều kiện để nấm và vi khuẩn sinh sôi, phát triển nhanh chóng, từ đó khiến bệnh nhân dễ gặp phải các tình trạng nhiễm trùng như nhiễm nấm hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu. 

Nhiễm nấm thường gây ngứa, rát và tiết dịch. Trong khi đó, nhiễm trùng đường tiết niệu sẽ đi kèm với cảm giác nóng rát khi đi tiểu, nước tiểu đục, đậm màu hoặc có mùi hôi.

7. Giảm thị lực

Tình trạng giảm thị lực, nhìn mờ trong thời gian ngắn có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc đái tháo đường type 2. Tình trạng này thường xảy ra khi lượng đường trong máu có sự thay đổi đột ngột, tăng cao hoặc giảm thấp. Về lâu dài, bệnh đái tháo đường type 2 có thể gây tổn thương các dây thần kinh ở mắt và dẫn đến mù lòa nếu không được điều trị kịp thời.

8. Vết thương chậm lành

Lượng đường trong máu tăng cao, kéo dài có thể gây tổn thương các mạch máu, từ đó làm giảm khả năng lưu thông máu. Việc này khiến các vết thương, vết cắt không nhận được đủ máu nên mất nhiều thời gian hơn để chữa lành. 

9. Ngứa da

Lưu lượng máu đến da giảm kèm theo việc mất nước do đi tiểu thường xuyên có thể khiến da bị khô, từ đó gây ngứa da. Nếu thấy da ngứa và khô dù đã bổ sung nhiều nước thì bạn không nên chủ quan, bởi đó có thể là dấu hiệu cảnh báo đái tháo đường type 2. Ngoài ra, bệnh nhân đái tháo đường type 2 cũng dễ bị nhiễm trùng da hơn người bình thường.

10. Tâm trạng thay đổi thất thường

Tình trạng lượng đường trong máu không ổn định cũng khiến tâm trạng của bạn “lên xuống” thất thường. Khi bị đái tháo đường type 2, tâm trạng của bạn có thể thay đổi thất thường, dễ gắt gỏng, cáu kỉnh, chán nản, chỉ muốn nằm trên giường hoặc các triệu chứng tương tự trầm cảm.

11. Mệt mỏi, suy nhược

Khi bạn bị đái tháo đường type 2, glucose trong máu không đi vào được tế bào để tạo ra năng lượng, đồng thời thận phải hoạt động nhiều hơn để loại bỏ lượng đường dư thừa. Cơ thể không tạo đủ năng lượng, kết hợp với việc thận phải hoạt động nhiều hơn khiến bạn có cảm giác mệt mỏi, suy nhược, kiệt sức thường xuyên. Bạn có thể mệt đến mức không thực hiện được các hoạt động hằng ngày hoặc cảm thấy kiệt sức ngay sau khi ăn.

Hy vọng bài viết này đã giúp bạn nhận biết được các triệu chứng đái tháo đường type 2. Bệnh đái tháo đường hoàn toàn có thể được kiểm soát hiệu quả nếu bạn phát hiện sớm và tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Vì vậy, khi nhận thấy những bất thường trong cơ thể, hãy đi kiểm tra sớm, bạn nhé.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Khí phế thũng: Bệnh phổi mạn tính bạn chớ xem thường Khí phế thũng: Bệnh phổi mạn tính bạn chớ xem thường
Các bệnh lý khác

Khí phế thũng: Bệnh phổi mạn tính bạn chớ xem thường

Nguyên nhân viêm phổi và các yếu tố nguy cơ Nguyên nhân viêm phổi và các yếu tố nguy cơ
Các bệnh lý khác

Nguyên nhân viêm phổi và các yếu tố nguy cơ

Bệnh xơ gan có chữa được không? Làm cách nào điều trị? Bệnh xơ gan có chữa được không? Làm cách nào điều trị?
Các bệnh lý khác

Bệnh xơ gan có chữa được không? Làm cách nào điều trị?

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK