Ung thư
Ung thư

Ung thư xương: Tìm hiểu loại ung thư có tốc độ di căn nhanh

Ung thư xương là loại ung thư hiếm gặp, có thể bắt đầu ở bất kỳ xương nào trong cơ thể. So với các dạng ung thư khác, ung thư xương có tốc độ di căn nhanh gấp 3 - 4 lần. Vì vậy, việc nắm rõ các thông tin về ung thư xương sẽ giúp bệnh nhân phát hiện bệnh sớm để kịp thời điều trị.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Tham vấn y khoa/chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Trần Kiến Bình
Ngày đăng 2023-01-04
Cập nhật ngày 2023-08-03
Nội dung chính
Ung thư xương là bệnh gì?Các loại ung thư xương phổ biếnCác giai đoạn ung thư xươngDấu hiệu ung thư xương mà bạn có thể gặp phảiTại sao bạn bị ung thư xương? Nguyên nhân gây bệnhĐối tượng nào có nguy cơ cao mắc ung thư xương?Bệnh ung thư ở xương được chẩn đoán như thế nào?Phương pháp điều trị ung thư xươngCâu hỏi thường gặp về ung thư xương
Những điều cần biết về ung thư xương

Vậy bệnh ung thư xương là như thế nào? Làm sao để phát hiện sớm bệnh ung thư xương? Mời bạn cùng Bowtie tìm hiểu thêm trong bài viết này nhé.

Ung thư xương là bệnh gì?

Ung thư xương là thuật ngữ chỉ tình trạng tế bào ung thư phát triển trong xương và gây hại cho các mô xương bình thường. 

Ung thư bắt nguồn từ chính các tế bào trong xương được gọi là ung thư xương nguyên phát. Đối với trường hợp khối u ác tính từ các cơ quan hoặc bộ phận khác của cơ thể di căn đến xương thì được gọi là ung thư xương thứ phát. Một số loại ung thư thường cho di căn đến xương, chẳng hạn như ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, ung thư thận, ung thư tuyến giáp thể tủy… 

Theo thống kê, ung thư xương nguyên phát khá hiếm gặp. Số liệu mới nhất cho thấy, tại Việt Nam, ung thư xương nguyên phát có tỷ lệ mắc chuẩn theo tuổi là 1,7/100.000.

Các loại ung thư xương phổ biến

Dựa vào tế bào phát triển thành ung thư mà ung thư xương nguyên phát được chia thành các loại như: 

  • Sarcoma xương: Đây là loại ung thư xương phổ biến nhất. Sarcoma xương chủ yếu phát triển trong các tế bào nơi mô xương mới hình thành. Bệnh có thể bắt đầu ở bất kỳ xương nào nhưng thường gặp phải ở đầu các xương lớn của tay và chân. 
  • Sarcoma Ewing: Khối u loại này có thể hình thành trong xương và các mô mềm xung quanh, thường phát triển nhất ở xương hông, xương sườn, xương bả vai và các vị trí xương dài như xương ở chân.
  • Chondrosarcoma (Sarcoma sụn): Đây là loại ung thư bắt đầu trong sụn, phần mô liên kết mềm bao bọc các đầu xương. Loại ung thư này thường hình thành ở xương cánh tay, xương chân hoặc xương chậu. Không giống như sarcoma xương và sarcoma Ewing, sarcoma sụn chủ yếu xảy ra ở người lớn tuổi.
  • U nguyên sống (Chordoma): Loại ung thư xương hiếm gặp này sẽ bắt đầu trong xương cột sống, chủ yếu ở đáy cột sống hoặc đáy hộp sọ. Giống như sarcoma sụn, u nguyên sống thường gặp phải ở người lớn tuổi, đặc biệt là nam giới. 

Các giai đoạn ung thư xương

Dựa vào kích thước, vị trí và mức độ xâm lấn của khối u mà quá trình phát triển của ung thư xương nguyên phát được chia thành 4 giai đoạn, bao gồm: 

  • Giai đoạn I: Đây là giai đoạn mà các tế bào ung thư vẫn còn khu trú trong xương. Đồng thời, các tế bào ác tính có độ ác tính thấp.
  • Giai đoạn II: Các khối u ác tính vẫn còn khu trú trong xương nhưng đã bắt đầu tăng kích thước, phát triển to dần. Đồng thời, các tế bào ác tính có độ ác tính thấp hoặc cao.
  • Giai đoạn III: Các tế bào ác tính đã lan sang những khu vực khác trong cùng một xương. Đồng thời, các tế bào ác tính có độ ác tính thấp hoặc cao.
  • Giai đoạn IV: Ở giai đoạn này, tế bào ung thư đã lan từ xương sang các mô xung quanh cũng như những vùng khác của cơ thể, thường là phổi hoặc gan.

Dấu hiệu ung thư xương mà bạn có thể gặp phải

Triệu chứng ung thư xương có thể khác nhau, tùy thuộc loại ung thư, vị trí và mức độ lan rộng của tế bào ác tính. Dưới đây là một số dấu hiệu mà bệnh nhân có thể gặp phải:

  • Đau: Đau nhức ở vùng xương bị ảnh hưởng là dấu hiệu phổ biến nhất của ung thư xương (chiếm đến 95% các trường hợp ung thư xương). Ban đầu, cơn đau có thể xuất hiện rồi biến mất. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển, cơn đau có xu hướng xuất hiện thường xuyên và tồi tệ hơn, đặc biệt vào ban đêm hoặc khi hoạt động. 
  • Gãy xương: Đôi khi, khối u có thể làm yếu và gãy xương do quá trình phá hủy xương dần dần, từ đó gây ra các cơn đau đột ngột, dữ dội và làm cho bệnh nhân bị hạn chế vận động.
  • Xuất hiện khối u hoặc sưng: Một vài khối u xương gây ra u cục hoặc làm sưng tấy khu vực xương bị ảnh hưởng. U thường có mật độ chắc hoặc cứng, di động kém, nằm ở sâu.
  • Các triệu chứng khác: Khối u, đặc biệt là khối u trong xương cột sống, có thể chèn ép các dây thần kinh và gây ra hiện tượng tê, ngứa râm ran, yếu ở nhiều vùng trong cơ thể, tùy thuộc vào vị trí của khối u. Nếu di căn đến phổi, ung thư xương thường khiến người bệnh khó thở, đau ngực hoặc nặng ngực hoặc ho. Ngoài ra, giống như các loại ung thư khác, bệnh còn có thể gây sụt cân, mệt mỏi, suy nhược, chán ăn…
Dấu hiệu ung thư xương
Đau ở xương là một trong các triệu chứng thường gặp của ung thư xương.

Tại sao bạn bị ung thư xương? Nguyên nhân gây bệnh

Hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu nào kết luận và xác định chính xác nguyên nhân gây ung thư xương. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, bệnh có thể hình thành do những thay đổi xuất hiện trong ADN của tế bào xương. Các đột biến ADN khiến tế bào phát triển và phân chia ngoài tầm kiểm soát, từ đó gây hình thành khối u ác tính. Trong một số trường hợp, đột biến có liên quan đến yếu tố di truyền, trong khi một số khác lại xảy ra do người bệnh tiếp xúc với tia xạ lâu ngày.

Đối tượng nào có nguy cơ cao mắc ung thư xương?

Dù chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây ung thư xương nhưng các nhà khoa học đã tìm ra một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Theo đó, những đối tượng có các yếu tố sau sẽ có khả năng mắc bệnh cao hơn:

  • Tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở thanh thiếu niên từ 13 – 16 tuổi
  • Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới
  • Mắc các hội chứng di truyền hiếm gặp trong gia đình như hội chứng Li-Fraumeni hay u nguyên bào võng mạc
  • Mắc bệnh Paget xương
  • Tiếp xúc với liều lượng lớn phóng xạ, đặc biệt là đã từng xạ trị ung thư trước đây
  • Có các khối u lành tính ở xương
  • Có người thân mắc ung thư xương

Bệnh ung thư ở xương được chẩn đoán như thế nào?

Để chẩn đoán ung thư xương, bác sĩ thường bắt đầu từ việc thăm hỏi triệu chứng, bệnh sử của người bệnh và gia đình cũng như tiến hành khám lâm sàng. Sau đó, tùy theo dấu hiệu và triệu chứng của bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân tiến hành thêm các xét nghiệm hình ảnh để xác định vị trí, kích thước và mức độ xâm lấn của khối u. Các xét nghiệm này bao gồm:

  • Xạ hình xương
  • X-quang
  • Siêu âm
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT)
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)
  • Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET)

Để xác nhận chẩn đoán, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh làm thêm sinh thiết. Với phương pháp này, các mảnh mô nhỏ ở xương sẽ được loại bỏ và kiểm tra dưới kính hiển vi để tìm kiếm tế bào ung thư. Phương pháp sinh thiết giúp cung cấp cho bác sĩ những thông tin cụ thể về ung thư xương như loại ung thư, vị trí hình thành, tốc độ phát triển… 

Phương pháp chẩn đoán ung thư ở xương
Các xét nghiệm hình ảnh như xạ hình xương, X-quang, chụp CT, chụp MRI, chụp PET… có thể được sử dụng để chẩn đoán ung thư xương.

Phương pháp điều trị ung thư xương

Căn cứ vào loại ung thư xương, kích thước, vị trí khối u, giai đoạn bệnh, sức khỏe tổng thể và mong muốn của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Các phương pháp điều trị ung thư xương thường bao gồm: 

  • Phẫu thuật: Phương pháp phẫu thuật sẽ được tiến hành để loại bỏ khối u và một số mô khỏe mạnh xung quanh. Sau đó, bác sĩ có thể thay thế phần xương bị mất bằng xương từ các vùng khác trên cơ thể, xương từ ngân hàng xương hoặc bằng các vật liệu nhân tạo (kim loại, nhựa cứng, vật liệu y sinh học…). Nếu khối u đã lớn hoặc nằm ở những vị trí phức tạp, khó tiếp cận thì các bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ chi (đoạn chi hoặc tháo khớp). Trường hợp u có kích thước nhỏ, phẫu thuật viên vẫn có thể cắt chi tối thiểu, có nghĩa là chỉ cắt phần chi có chứa u, sau đó tạo hình lại khuyết hổng. Ở một vài trung tâm tại các nước tiên tiến, đoạn xương có chứa u sau khi phẫu thuật sẽ được xử lý và tái ghép lại sau đó. 
  • Xạ trị: Phương pháp này sử dụng chùm tia bức xạ có năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị thường được dùng trước phẫu thuật để thu nhỏ khối u hoặc sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại. Xạ trị có vai trò cực kỳ quan trọng trong những tình huống bảo tồn chi. Ngoài ra, xạ trị có thể là phương pháp điều trị chính trong các trường hợp không thể phẫu thuật. Đối với ung thư xương tiến triển, xạ trị giúp kiểm soát một số triệu chứng của bệnh, chẳng hạn như đau, chảy máu hay di căn não, di căn xương khác trên cơ thể…
  • Hóa trị: Phương pháp này sử dụng thuốc gây độc tế bào để tiêu diệt hoặc kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư, được dùng dưới dạng uống hoặc tiêm truyền tĩnh mạch. Hóa trị thường không có hiệu quả với sarcoma sụn nhưng là một phần quan trọng trong phác đồ điều trị sarcoma xương và sarcoma Ewing. Các nhà nghiên cứu đã thấy rằng, khoảng 80% trường hợp bệnh nhân mắc ung thư xương sẽ tử vong nếu không được điều trị hóa chất mặc dù đã được phẫu thuật triệt để. 
  • Điều trị đích và điều trị miễn dịch là hai liệu pháp mới đang được nghiên cứu, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều hiệu quả.

Câu hỏi thường gặp về ung thư xương

Ung thư xương có di truyền không?

Một số ít trường hợp ung thư xương có liên quan đến các yếu tố di truyền. Theo đó, một số hội chứng hiếm gặp được di truyền trong gia đình đã được xác định là có khả năng làm tăng nguy cơ mắc ung thư xương như hội chứng Li-Fraumeni, u nguyên bào võng mạc di truyền… Thêm vào đó, người có người thân ruột thịt mắc ung thư xương sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường.

Bệnh ung thư xương có lây không?

Nếu bạn đang có băn khoăn này thì hãy yên tâm bởi ung thư xương không phải là bệnh truyền nhiễm và không có khả năng lây truyền từ người này sang người khác. Bạn chỉ bị ung thư xương khi có những đột biến xảy ra trong ADN của tế bào xương chứ không hề bị lây bệnh thông qua các con đường như ăn uống, tiếp xúc, hô hấp, quan hệ tình dục… Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể yên tâm khi chăm sóc, giao tiếp với bệnh nhân ung thư.

Ung thư xương có nguy hiểm không, có chết không?

Ung thư xương được xếp vào nhóm các loại ung thư nguy hiểm bậc nhất bởi bệnh có khả năng di căn rất nhanh (nhanh gấp 3 – 4 lần các loại ung thư khác), chủ yếu là vào phổi. Điều này khiến bệnh nhanh chóng trở nặng, bệnh nhân dễ suy kiệt và tử vong sớm hơn.

Không chỉ vậy, trong quá trình phát triển, bệnh ung thư xương còn gây ra các biến chứng khác như: 

  • Ảnh hưởng đến quá trình sinh máu của tủy xương gây thiếu máu
  • Tăng canxi máu
  • Đau nhức xương
  • Mất xương, loãng xương, dễ gãy xương bệnh lý
  • Hạn chế vận động
  • Ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống
  • Vấn đề về tâm lý, lo lắng, trầm cảm
  • Tăng nguy cơ phát triển các bệnh ung thư khác
Ung thư xương có chữa khỏi được không?

Với sự phát triển của y học ngày nay, ung thư xương có thể được điều trị hiệu quả, giúp cải thiện tiên lượng sống và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Việc chẩn đoán bệnh ở giai đoạn càng muộn thì cơ hội điều trị thành công sẽ càng thấp.

Bệnh nhân ung thư xương sống được bao lâu?

Thực tế, không thể xác định chính xác bệnh nhân ung thư xương sống được bao lâu vì tiên lượng bệnh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giai đoạn bệnh, vị trí, kích thước, tốc độ xâm lấn của khối u, phương pháp điều trị, sức khỏe tổng thể và khả năng đáp ứng điều trị của bệnh nhân… 

Điều trị phẫu thuật đơn thuần cho kết quả sống thêm 5 năm rất thấp. Bệnh nhân tử vong chủ yếu do di căn phổi. Điều trị phẫu thuật kết hợp hóa trị là phác đồ điều trị cơ bản, giúp tăng đáng kể tỷ lệ sống sót sau 5 năm cho bệnh nhân, lên đến 62 – 75%.

Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu hơn về ung thư xương, triệu chứng, nguyên nhân, cách chẩn đoán và điều trị bệnh. Ung thư xương có tốc độ di căn rất nhanh. Vì vậy, việc nắm rõ các thông tin về bệnh ung thư sẽ giúp bệnh nhân được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị và kéo dài tuổi thọ.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Bệnh bạch cầu: Loại ung thư ở các tế bào tạo máu Bệnh bạch cầu: Loại ung thư ở các tế bào tạo máu
Ung thư

Bệnh bạch cầu: Loại ung thư ở các tế bào tạo máu

Ung thư vú giai đoạn III (giai đoạn 3): Điều trị đúng cách vẫn có thể vượt qua Ung thư vú giai đoạn III (giai đoạn 3): Điều trị đúng cách vẫn có thể vượt qua
Ung thư

Ung thư vú giai đoạn III (giai đoạn 3): Điều trị đúng cách vẫn có thể vượt qua

Ung thư tuyến tụy: Hiểu đúng để điều trị trước khi quá muộn Ung thư tuyến tụy: Hiểu đúng để điều trị trước khi quá muộn
Ung thư

Ung thư tuyến tụy: Hiểu đúng để điều trị trước khi quá muộn

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK