Các bệnh lý khác
Các bệnh lý khác

Tìm hiểu về viêm loét dạ dày - tá tràng

Viêm loét dạ dày - tá tràng là một bệnh lý đường tiêu hóa thường gặp. Bệnh có nhiều nguy cơ tiến triển thành ung thư hoặc gây ra các biến chứng nguy hiểm khác nếu không được quan tâm và điều trị sớm.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-01-12
Cập nhật ngày 2023-04-26
Nội dung chính
Bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng là gì?Triệu chứng viêm loét dạ dày - tá tràngNguyên nhân gây loét dạ dày - tá tràngYếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm loét dạ dày - tá tràngBiến chứng loét dạ dày - tá tràngPhương pháp chẩn đoán viêm loét dạ dày - tá tràngPhương pháp điều trị viêm loét dạ dày - tá tràngCách dự phòng loét dạ dày - tá tràngCâu hỏi thường gặp về loét dạ dày - tá tràng
Tìm hiểu về viêm loét dạ dày - tá tràng

Vậy bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng là gì? Nguyên nhân nào gây ra bệnh? Làm sao để chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa viêm loét dạ dày – tá tràng? Để giải đáp những thắc mắc này, mời bạn cùng Bowtie theo dõi các thông tin được chia sẻ trong bài viết dưới đây nhé!

Bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng là gì?

Viêm loét dạ dày – tá tràng là tình trạng tổn thương, xuất hiện các vết loét ở lớp niêm mạc bên trong dạ dày hoặc đoạn nối dạ dày với ruột non (tá tràng).

Bình thường, niêm mạc dạ dày được bao phủ bởi một lớp chất nhầy để bảo vệ dạ dày khỏi sự tác động của acid dịch vị và các enzyme tiêu hóa. Bất kỳ nguyên nhân nào khiến lớp chất nhầy này bị mỏng đi hoặc làm tăng tiết dịch tiêu hóa đều có khả năng dẫn đến viêm loét dạ dày – tá tràng. 

Đây là một trong những vấn đề sức khỏe rất phổ biến tại Việt Nam. Theo Hội khoa học Tiêu hóa, nước ta có đến 26% dân số bị viêm loét dạ dày – tá tràng. 

Triệu chứng viêm loét dạ dày - tá tràng

Bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng sẽ biểu hiện khác nhau ở từng bệnh nhân. Đôi khi, bạn có thể bị loét dạ dày – tá tràng nhưng không gặp phải bất kỳ triệu chứng đáng kể nào.

Thông thường, triệu chứng phổ biến nhất của bệnh loét dạ dày – tá tràng là cảm giác nóng rát hoặc đau âm ỉ ở bụng (vị trí giữa xương ức và rốn). Cơn đau có thể xuất hiện khi đói bụng hoặc vào ban đêm và có xu hướng kéo dài từ vài phút cho đến vài giờ. 

Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể nhận thấy các triệu chứng khác, bao gồm:

  • Đầy hơi, khó tiêu, chướng bụng
  • Ợ chua, ợ nóng
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Thay đổi khẩu vị
  • No nhanh sau khi ăn một lượng thức ăn rất ít
  • Không cảm thấy đói
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân
  • Phân đen (hắc ín) hoặc có máu 
  • Nôn ra máu
  • Không dung nạp thức ăn béo
  • Khó thở, mệt mỏi và ngất xỉu

Nguyên nhân gây loét dạ dày - tá tràng

Vết loét hình thành ở dạ dày hoặc tá tràng có thể liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau, trong đó hai nguyên nhân thường gặp là:

  • Vi khuẩn Helicobacter pylori (H.pylori): Phần lớn các trường hợp viêm loét dạ dày – tá tràng là kết quả do H. pylori bám vào và gây viêm lớp chất nhầy ở niêm mạc dạ dày. Khi đó, hàng rào bảo vệ dạ dày bị phá vỡ khiến acid tấn công trực tiếp vào lớp niêm mạc và gây ra vết loét.
  • Thuốc giảm đau không steroid (NSAIDs): Sử dụng các thuốc NSAIDs trong thời gian dài hoặc uống với liều cao có thể làm bào mòn lớp chất nhầy trong đường tiêu hóa, dẫn đến nguy cơ kích ứng và viêm nhiễm. Một số thuốc phổ biến có thể gây nên tình trạng này là ibuprofen, naproxen, ketoprofen, celecoxib, aspirin…
Nguyên nhân gây loét dạ dày - tá tràng
NSAIDs là một trong hai nguyên nhân thường gặp có thể gây viêm loét dạ dày - tá tràng.

Yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm loét dạ dày - tá tràng

Không phải tất cả người nhiễm H. pylori hoặc sử dụng thuốc NSAIDs đều bị viêm loét dạ dày – tá tràng. Điều này còn phụ thuộc vào một số yếu tố. Theo đó, bạn sẽ có nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn nếu:

  • Từ 60 tuổi trở lên
  • Là nam giới
  • Sử dụng các loại thuốc khác cùng với NSAIDs, chẳng hạn như corticosteroid, thuốc chống đông máu, chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI)…
  • Nhiễm trùng gây ra bởi một số loại virus, nấm hoặc vi khuẩn khác ngoài H. pylori
  • Phẫu thuật đường tiêu hóa
  • Chấn thương, tắc nghẽn hoặc giảm lưu lượng máu cung cấp đến dạ dày, tá tràng
  • Mắc các bệnh lý nghiêm trọng: hội chứng  Zollinger-Ellison, ung thư, bệnh Crohn (viêm ruột), xơ gan, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
  • Hút thuốc lá
  • Nghiện rượu
  • Căng thẳng kéo dài
  • Thường xuyên ăn đồ cay nóng hoặc quá nhiều gia vị

Biến chứng loét dạ dày - tá tràng

Viêm loét dạ dày – tá tràng nếu không được điều trị phù hợp có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:

  • Xuất huyết tiêu hóa: Vết loét tiến triển có thể gây ra hiện tượng chảy máu ở dạ dày và tá tràng. Hậu quả là dẫn đến thiếu máu hoặc thậm chí là mất máu nghiêm trọng tới mức phải nhập viện và truyền máu.
  • Thủng dạ dày: Khi vết loét lan rộng, các cơ và mạch máu ở đường tiêu hóa có thể bị tổn thương, tạo ra một lỗ thủng xuyên qua thành dạ dày hoặc ruột non. Điều này khiến người bệnh có nguy cơ bị nhiễm trùng nghiêm trọng ở khoang bụng (viêm phúc mạc). 
  • Hẹp môn vị: Trong một số trường hợp, viêm loét dạ dày – tá tràng có thể gây ra các vết sẹo đủ lớn để làm tắc nghẽn ở đoạn nối dạ dày với ruột non. Thức ăn không thể đi xuống ruột non sẽ bị ứ đọng bên trong dạ dày, dẫn đến tình trạng nôn mửa, đầy bụng hoặc dễ no.
  • Ung thư dạ dày: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bệnh nhân nhiễm H. pylori thường có nguy cơ bị ung thư dạ dày cao hơn. Đây cũng được xem là biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng.

Phương pháp chẩn đoán viêm loét dạ dày - tá tràng

Trong quá trình chẩn đoán, ngoài dựa vào các triệu chứng cũng như thông tin liên quan đến bệnh sử và quá trình dùng thuốc của bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định một số kiểm tra, xét nghiệm khác, bao gồm:

  • Nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng (EGD): Bằng cách đưa một ống nội soi nhỏ có gắn camera vào miệng, thực quản rồi đi xuống dạ dày và tá tràng, phương pháp này có thể giúp bác sĩ quan sát được niêm mạc bên trong đường tiêu hóa để tìm kiếm các vết loét. 
  • Xét nghiệm tìm Helicobacter pylori: Test hơi thở là cách đơn giản và phổ biến nhất có thể giúp xác định sự hiện diện của vi khuẩn H. pylori. Phương pháp xét nghiệm máu hoặc nuôi cấy phân cũng được áp dụng trong một số trường hợp.
  • Sinh thiết: Khi tiến hành nội soi, một phần mô nhỏ ở dạ dày hoặc tá tràng có thể được loại bỏ để kiểm tra trong phòng thí nghiệm nếu bác sĩ nhận thấy các dấu hiệu bất thường.
  • Chụp X-quang đường tiêu hóa trên hàng loạt: Trước khi tiến hành chụp X-quang, bệnh nhân thường được yêu cầu uống một dung dịch chứa barium. Dung dịch này sẽ bao phủ niêm mạc đường tiêu hóa và giúp vết loét hiện rõ hơn trên phim X-quang.
Phương pháp chẩn đoán viêm loét dạ dày - tá tràng
Phương pháp test hơi thở giúp phát hiện vi khuẩn Helicobacter pylori.

Phương pháp điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng

Điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng thường bắt đầu từ việc thay đổi lối sống và điều chỉnh chế độ ăn uống. Tiếp đến, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân sử dụng thuốc hoặc can thiệp bằng các phương pháp khác dựa trên tình trạng bệnh cụ thể của mỗi người. 

Sử dụng thuốc

Hầu hết các trường hợp mắc bệnh loét dạ dày – tá tràng có thể kiểm soát tốt thông qua việc dùng thuốc, kể cả có nhiễm vi khuẩn H. pylori hay không. Một số loại thuốc thường được chỉ định là:

  • Các thuốc làm giảm bài tiết acid ở dạ dày: Thuốc ức chế bơm proton (PPI) hoặc thuốc kháng histamine H2
  • Thuốc kháng sinh có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn H. pylori, chẳng hạn như amoxicillin, metronidazole, clarithromycin, tinidazole,…
  • Thuốc trung hòa acid dạ dày
  • Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày, chẳng hạn như sucralfate, misoprostol và bismuth 

Thủ thuật nội soi

Trường hợp viêm loét dạ dày – tá tràng có xuất huyết nghiêm trọng, bác sĩ có thể tiến hành nội soi để giúp bệnh nhân cầm máu tại chỗ bằng những phương pháp như sau: 

  • Tiêm thuốc vào vết loét 
  • Kẹp clip cầm máu
  • Đốt điện để bịt kín vết loét 

Phẫu thuật

Người bệnh có thể được xem xét phẫu thuật nếu các phương pháp khác không mang đến hiệu quả như mong đợi hoặc khi tình trạng viêm loét dạ dày – tá tràng có xuất hiện biến chứng. Tùy theo mức độ bệnh mà các loại phẫu thuật có thể bao gồm:

  • Cắt bỏ đoạn dạ dày có vết loét
  • Khâu lỗ thủng dạ dày
  • Thắt động mạch bị chảy máu 
  • Cắt dây thần kinh X để giảm tiết acid dạ dày

Cách dự phòng loét dạ dày - tá tràng

Để ngăn ngừa vi khuẩn H.pylori và giảm nguy cơ bị viêm loét dạ dày – tá tràng, bạn có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản dưới đây:

  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch
  • Ăn thực phẩm đã được nấu chín hoàn toàn
  • Hạn chế dùng chung các dụng cụ ăn uống như ly tách, chén đũa…
  • Thận trọng khi sử dụng các loại thuốc giảm đau, tránh uống thuốc khi bụng đói
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào
  • Không hút thuốc
  • Tránh xa rượu bia
  • Xây dựng lối sống lành mạnh, giảm thiểu căng thẳng và áp lực

Câu hỏi thường gặp về loét dạ dày - tá tràng

Viêm loét dạ dày - tá tràng có thể tự khỏi không?

Tin vui là vết loét dạ dày – tá tràng có khả năng tự khỏi trong một số trường hợp. Tuy nhiên, người bệnh không nên vì thế mà chủ quan. Bởi trong đa số các trường hợp, nếu không được điều trị đúng cách, bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng có thể tiến triển nặng hơn và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, chẳng hạn như: 

  • Thủng dạ dày
  • Xuất huyết tiêu hóa 
  • Tắc nghẽn đường ra của dạ dày (hẹp môn vị)
Người bị viêm loét dạ dày - tá tràng nên ăn gì, kiêng gì?

Chế độ ăn uống rất quan trọng đối với người bị viêm loét dạ dày – tá tràng. Để bệnh không trầm trọng hơn, bạn nên chia nhỏ các bữa ăn hằng ngày và sử dụng bữa tối trước thời điểm đi ngủ ít nhất là 2 giờ. Ngoài ra, người bệnh cần lưu ý tránh các loại thực phẩm có thể gây kích ứng dạ dày như: 

  • Gia vị cay nóng như ớt, tiêu, mù tạt…
  • Thức ăn nhiều chất béo như phô mai, sữa nguyên chất, chocolate, cacao, xúc xích, thịt nguội, giăm bông, thịt xông khói…
  • Thực phẩm có tính axit như cam, chanh, bưởi, cà chua, bạc hà…
  • Đồ uống chứa cồn hoặc caffeine như trà, cà phê, bia rượu…

Thay vào đó, bệnh nhân viêm loét dạ dày – tá tràng nên tăng cường các loại thực phẩm lành mạnh, bao gồm:

  • Rau xanh như cải bó xôi, cải xoăn, bắp cải, bông cải xanh, bông cải trắng, ớt chuông
  • Các loại quả mọng như việt quất, mâm xôi, dâu tây
  • Thực phẩm giàu lợi khuẩn đường ruột như sữa chua, tương miso
  • Sản phẩm từ sữa không béo hoặc ít béo
  • Ngũ cốc nguyên hạt như bánh mì nguyên cám, mì ống, gạo lứt
  • Các loại đậu, hạt
  • Dầu ô liu, dầu hạt cải (canola)
  • Ưu tiên thịt nạc, thịt gia cầm, thịt cá, trứng  

Như vậy, từ nội dung bài viết, bạn đã phần nào hiểu được bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng là gì cũng như các biến chứng nguy hiểm của bệnh. Hy vọng qua đó có thể giúp bạn bảo vệ sức khỏe tốt hơn. Trường hợp nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ, hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn hướng điều trị phù hợp nhất.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Các bệnh về gan thường gặp nhưng vô cùng nguy hiểm Các bệnh về gan thường gặp nhưng vô cùng nguy hiểm
Các bệnh lý khác

Các bệnh về gan thường gặp nhưng vô cùng nguy hiểm

Cúm A có lây không và lây qua đường nào? Cúm A có lây không và lây qua đường nào?
Các bệnh lý khác

Cúm A có lây không và lây qua đường nào?

Thông tin về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) Thông tin về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Các bệnh lý khác

Thông tin về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK